TS. Cấn Văn Lực: Fintech đang thoái trào ở Việt Nam
TS. Cấn Văn Lực, khuyến nghị các Fintech cần củng cố lại hạ tầng công nghệ, dữ liệu hệ thống để hệ sinh thái ít “vi khuẩn” hơn bảo vệ môi trường an ninh an toàn |
Ngày 13/12, tại Diễn đàn Vietnam Banking Innovation Summit 2024 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Công ty truyền thông 5s tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng thương mại, fintech.
Theo các chuyên gia, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay không có thêm công ty fintech nào được cấp phép mới. Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trên thị trường hiện nay vẫn có hơn 170 công ty fintech như thời điểm trước đại dịch, trong đó khoảng 50 công ty làm về thanh toán.
Fintech (công nghệ tài chính) một khái niệm có nội hàm rất rộng bao hồm hàng trăm lĩnh vực kinh doanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có thanh toán. Tại Việt Nam thời gian qua fintech chủ yếu phát triển ví điện tử, cổng thanh toán…
Tuy nhiên, phát triển trong môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, một số ví điện tử đã làm những việc không được pháp luật cho phép, "làm chui" một số dịch vụ và đã bị lực lượng chức năng phát hiện như chuyển tiền đánh bạc, cá độ,… ảnh hưởng tới niềm tin thị trường tài chính.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã liên kết tạo ra một mã QR thanh toán, chuyển tiền liên thông với mọi tài khoản ngân hàng, ứng dụng (App) ngân hàng điện tử phát triển nhanh chóng và tiềm lực tài chính của ngân hàng mạnh mẽ các thực thể khác khó cạnh tranh.
Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, các fintech cần xây dựng hệ sinh thái “sạch sẽ” và tiếp tục kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cho thí điểm có thử nghiệm (sandbox) các mô hình mới từ đó thu hút người dùng vào sử dụng an toàn bảo mật. Song song với việc xây dựng chính sách chia sẻ dữ liệu người dùng thì việc cho phép thu phí sử dụng dữ liệu để dữ liệu trở thành tài sản trong giao dịch kinh doanh sẽ khuyến khích phát triển tài chính công nghệ.
TS. Lực cho rằng, phát triển tài chính số, trụ cột trọng tâm vẫn nên là các ngân hàng thương mại với khả năng bảo mật cao hơn các thực thể khác trên thị trường. Đặc biệt, Luật các Tổ chức tín dụng mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 rất cởi mở nên các TCTD có thể cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng tiện ích cho người dùng mà từ trước đến nay chưa có.
Chẳng hạn, Việt Nam đã liên thông mã thanh toán QR với quốc tế, người Việt ra nước ngoài những thị trường như Thái Lan, Campuchia, Lào, Hàn Quốc… hiện nay không phải lo đổi ngoại tệ tiền mặt, không cần dùng thẻ tín dụng mà đã có thể quét mã QR trên chính chiếc điện thoại di động có ứng dụng ngân hàng điện tử.
Các quy định pháp luật mới cũng mở ra cho các ngân hàng thương mại cho vay bằng phương thức điện tử đối với những khoản vay dưới 100 triệu đồng không cần chứng minh mục đích sử dụng vốn.
Các nguồn dữ liệu thống kê cho biết, kinh tế số của khối các nước ASEAN hàng năm có mức tăng trưởng khoảng 15%, kinh tế số của Việt Nam tăng 20%. TS. Cấn Văn Lực dự báo, hoạt động cho vay trực tuyến sẽ có mức tăng trưởng gần 50% vào năm 2030 khi mà các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm,… mở rộng hoạt động kênh tài chính online.
TS. Lực cho rằng, các đơn vị hữu quan cũng cần thúc đẩy phát triển tiền kỹ thuật số đối với đồng VND. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2024 đã có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, trong đó các quốc gia lân cận với ta như Trung Quốc, Campuchia… đã thực hiện.