Gánh trầu cau của ngoại
Trên những chuyến xe ngược xuôi, trước mắt tôi lại hiện lên bóng dáng người phụ nữ áo nâu chân trần. Bà tôi đấy, người đàn bà quanh năm tất bật với gánh hàng trầu cau trĩu nặng…
Bà tôi quanh năm vất vả với ruộng đồng, nhưng vào lúc nhà nông rỗi việc, bà lại làm bạn với đôi quang cái thúng rong ruổi trên những buổi chợ quê kiếm tiền trang trải cho cuộc mưu sinh. Ngày ấy bà tôi mặc áo nâu váy gụ, đầu vấn khăn mỏ quạ, nhuộm răng đen. Giống như bao bà già nhà quê khác, bà tôi ăn trầu thuốc nên môi lúc nào cũng đỏ thắm còn hàm răng thì đen ánh như hạt na.
Ảnh minh họa
Khi nhắc lại những ngày tháng xa xăm ấy, giọng bà hình như bùi ngùi khi nhắc đến những bạn hàng hay khách quen nay đã trở thành những người “muôn năm cũ”. Và tất nhiên, cả những câu chuyện vui xoay quanh những phiên chợ “mua may bán đắt”.
Đấy là từ tháng tám trở đi, ngoài đồng vãn việc, mùa cưới treo đám thứ bắt đầu, gánh hàng trầu cau của mẹ ngày càng đông khách. Những đám cưới đám hỏi, ngoài tục lệ thách cưới bằng lợn gà, gạo, rượu, chè, thuốc… thì trầu cau là thứ không thể thiếu. Nhiều khi cả nhà trai, nhà gái ăn hết vài nghìn quả cau, vì vùng quê tôi sống còn giữ nguyên tục lệ đi chia cau cưới.
Những ngày ấy, bà tôi vui lắm vì cứ mua được cau đẹp cau ngon là có lãi, đôi khi người mua còn phải dặn trước và không kỳ kèo giá cả vì bà tôi là chỗ thân quen, quanh năm trầu trầu vỏ vỏ… Mua được những buồng cau như ý, không chỉ khách vừa lòng mà bà tôi cũng vui không kém, nhiều khi bà còn được mời đến dự đám cưới con cháu họ.
Hồi ấy, trầu cau là thứ thân thuộc với mọi người, nên gánh hàng của bà tôi là bạn tâm giao của nhiều người, ghé lại gánh hàng của bà, dù khách không mua cũng được mời ăn trầu. Với họ, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn miếng trầu rồi mới mở lời bàn bạc công việc, mua bán trao đổi hàng hóa. Thế nên ăn trầu có thể coi là một nét văn hóa giao tiếp của một bộ phận người dân khi ấy. Vào lúc mùa cau tươi hiếm là bà tôi lại có ngay cau khô để bán.
Khi trời chuyển nắng hanh hao bà tôi bắt đầu bổ phơi cau khô dành bán. Nắng hanh làm cau mau khô, không bị mốc lại đỏ hồng và thơm nức. Chúng tôi đi học về lại có thêm việc mới là gọt vỏ bổ cau, đám mẹt, sàng, nong, nia… được trưng dụng làm thứ phơi cau tốt nhất. Cau quê phơi được nắng ăn dẻo mềm lại ngọt chứ không khô cứng như cau miền Nam nhìn đẹp mắt nhưng ăn nhạt nhẽo, kém hương vị.
Mấy bà già nhà quê ưa chuộng thứ cau này vì nó ngon lại hợp túi tiền người nghèo nên họ kết bạn với gánh hàng bà tôi là vì thế. Sau này, khi đã già không còn chạy chợ nữa, nỗi nhớ nghề xưa vẫn thường trỗi dậy khiến mỗi khi đến chợ, thấy mớ cau nào ưng ý bà lại mua về bổ phơi. Cau phơi khô rồi lại để đấy không ăn vì bây giờ nhiều cau tươi quá, thỉnh thoảng mới ăn một miếng cho vui… Và cau khô lại trở thành món quà tặng cho mấy bà bạn già còn thú vui ăn trầu thuốc.
Đôi khi, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, tôi vẫn bắt gặp trong đám đồ đạc cũ kỹ có mấy cái mẹt nan quét sơn ta đen bóng cùng chiếc đòn gánh và đôi quang song cũ kỹ. Những kỷ vật một thời ấy bà tôi vẫn thường nâng niu cất giữ. Nó gắn bó không chỉ với bà mà với cả chúng tôi, với những năm tháng ấu thơ dưới mái nhà xưa năm ấy…
Gánh cũ còn đây, nhưng ngày ấy đâu rồi?
Thái Hương Liên