Gạo hữu cơ chinh phục châu Âu
Lô hàng mở lối
Cùng với cả nước, các địa phương trong khu vực miền Trung đang từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, coi đây là hướng đi mới để nông sản nước ta chiếm lĩnh các thị trường lớn và khó tính.
Mới đây, vượt qua các rào cản, tiêu chí về kỹ thuật, chất lượng, lần đầu tiên gạo hữu cơ Quảng Trị đã chính thức được xuất khẩu sang châu Âu. Cụ thể, Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic), đã tổ chức lễ xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên sang châu Âu. Lô hàng gạo hữu cơ đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu, đánh dấu bước đầu chinh phục thị trường mới của thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Đây cũng là nguồn động lực để doanh nghiệp, người nông dân địa phương tiếp tục sản xuất, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn về gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục các thị trường khác trên thế giới.
Lô hàng gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường châu Âu |
Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc QTOrganic cho biết, trước đó doanh nghiệp đã có khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại Châu Âu và Mỹ. Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và QTOrganic hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường Châu Âu, với giá bán 1.800 USD/tấn. Sau khi được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu 30 đến 50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu.
Được biết, từ năm 2019 trường Đại học Hiroshima Nhật Bản đã phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được 2 hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB), vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút (gout), béo phì. Hiện, QTOrganic đã chọn một số địa phương ở Quảng Trị như, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong… triển khai mô hình gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với bà con nông dân. Toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác, sử dụng bằng công nghệ hữu cơ của Nhật Bản. Mô hình gạo hữu cơ tại Quảng Trị hiện cho năng suất 5,5 đến 6 tấn lúa/ha, sản lượng khoảng 340 tấn/năm với diện tích gieo trồng trên 35 ha. Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, thành công này đánh một dấu mốc quan trọng, là nguồn động lực để doanh nghiệp, người nông dân tiếp tục sản xuất, đảm bảo tối đa các tiêu chuẩn về gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục một thị trường lớn trên thế giới.
Đặc biệt, do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và áp dụng các quy trình nghiêm ngặt, nên không chỉ đạt năng suất về lúa, mà cá tôm sinh sôi trở lại trên đồng ruộng. Sau khi thu hoạch, lúa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua tại chân ruộng với giá cao hơn nhiều so với lúa trồng theo phương pháp thông thường… Ngoài gạo hữu cơ Quảng Trị, một số đối tác tại châu Âu cũng đang tìm hiểu để nhập khẩu thêm các sản phẩm nông sản khác là đặc sản của Quảng Trị như, tiêu, ớt, đậu xanh, đậu đen…
Xây dựng mô hình sản xuất khép kín
Câu chuyện gạo hữu cơ ở Quảng Trị chinh phục được thị trường châu Âu, đã mở ra một trang mới trong câu chuyện tìm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ nói chung và gạo hữu cơ nói riêng. Bởi, trên thực tế hiện nay việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung cũng như cả nước luôn gặp nhiều khó khăn. Cho dù, các sản phẩm này có rất nhiều tiềm năng, được người tiêu dùng cả trong và ngoài nước ưa chuộng…
Gạo hữu cơ là loại gạo được trồng theo phương pháp tự nhiên, sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc trừ sâu. Ở trong nước, nhu cầu sử dụng gạo hữu cơ ngày càng lớn, dù giá thành cao hơn so với các loại gạo bình thường. Giá gạo hữu cơ hiện tại ở Việt Nam dao động từ 40 đến 70 ngàn đồng/kg tùy theo chất lượng. Trên thị trường trong nước nhiều thương hiệu gạo hữu cơ đang có mặt như, gạo Trung An, gạo hữu cơ nhãn riêng của Saigon Co.op, gạo Hoa Sữa, gạo Eco, gạo Orgagro… Còn trên thị trường thế giới, gạo hữu cơ là sản phẩm đang được Mỹ và châu Âu cấp giấy chứng nhận là thực phẩm sạch 100% không bị biến đổi gen, không sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng chất tẩy trắng, chất tạo màu, hương thơm, không sử dụng chất bảo quản. Tại những thị trường này, gạo hữu cơ cũng rất được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Việc sản xuất lúa gạo hữu cơ là hướng phát triển tất yếu do nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, như đã nói ở trên mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng việc tìm đầu ra cho các sản phẩm gạo hữu cơ đang gặp nhiều khó khăn. Quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ phức tạp từ gieo mạ khay, cấy, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón hoàn toàn phân hữu cơ… Dù giá bán ra thị trường cao, nhưng đầu ra lại vô cùng chật vật. Ở một số nơi người dân không quan tâm, thiếu mặn mà, khiến diện tích trồng lúa hữu cơ ngày càng thu hẹp. Đặc biệt, do chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc sự liên kết chưa bền chặt. Đây là những thách thức lớn nhất trong việc duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ.
Quay trở lại câu chuyện của QTOrganic, khi xuất khẩu thành công gạo hữu cơ sang thị trường châu Âu. Trong mô hình này, người nông dân trồng lúa hữu cơ liên kết với công ty không lo đầu ra cho sản phẩm, thu nhập cao sau khi đã trừ đi các chi phí phân, giống; không chỉ giúp bà con nông dân Quảng Trị có cuộc sống ổn định hơn, gạo sản xuất ra được doanh nghiệp và chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Bởi vậy, để thúc đẩy duy trì, mở rộng diện tích, quy mô sản xuất lúa hữu cơ trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cần tập trung hình thành những mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Có thể sản lượng thấp, nhưng chất lượng hạt gạo tốt, được thị trường chấp nhận thì khi đó mới nhân rộng các mô hình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ, đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả.