Giá hàng tiêu dùng đang rục rịch giảm
Giá hàng hóa, dịch vụ đã giảm
Sau 5 kỳ giảm giá liên tiếp, giá xăng dầu hiện tại đã rẻ hơn so với hồi cuối tháng 6/2022 khoảng 6.200 - 8.210 đồng/lít và quay trở lại ngưỡng ngang bằng thời điểm trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm nay.
Giá xăng dầu giảm kéo theo giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ "hạ nhiệt". Trong đó, nhiều mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng... đang rục rịch giảm, đi kèm là các chương trình khuyến mãi cho khách hàng.
Theo khảo sát của phóng viên, các sản phẩm mì ăn liền, sữa, dầu ăn, hạt nêm... đang được khuyến mãi từ 10 - 30%.
Để kích cầu tiêu dùng chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, các đơn vị kinh doanh đồ dùng học tập cũng triển khai nhiều hoạt động khuyến mãi, giảm giá như nhà sách Fahasa giảm tới 30% nhiều đồ dùng học tập cùng các phiếu giảm giá mua hàng cho các sản phẩm của Công ty Thiên Long; Văn phòng phẩm Hồng Hà phát thẻ cào với các giải thưởng giá trị gồm laptop, xe đạp điện, tiền mặt…
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đã hạ nhiệt. |
Bên cạnh đó, một trong những ngành, nghề chịu tác động nhiều nhất của giá xăng dầu là vận tải cũng đang ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ.
Đơn cử tại Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã nhận được thông báo xin giảm giá cước của hơn 10 đơn vị taxi trên địa bàn với mức giảm từ 500-1.000 đồng/km, sau khi hoàn tất thủ tục phê duyệt kê khai giá cước sẽ giảm khoảng 6-12%. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp vận tải xe khách cũng thông báo giảm giá cước từ 10-20 nghìn đồng/vé.
Tương tự, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 17 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách kê khai giảm giá cước.
Tăng tính tự giác trong văn hóa kinh doanh
Trước đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, nhất là việc kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Thực hiện Công điện, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ về việc tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá. Theo đó, các đơn vị theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Trước yêu cầu trên, Sở Giao thông Vận tải các địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năm 2022; phối hợp với các bên liên quan làm rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch.
Dù việc tăng, giảm giá hàng hóa trên thị trường phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đầu vào, nhất là giá xăng dầu cũng cần có độ trễ nhất định, nhưng TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng độ trễ này không thể kéo dài đến hàng tháng mà chỉ có thể một vài tuần sau khi giá xăng giảm.
Để giải quyết tình trạng này, cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành có liên quan để tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát. Nhưng cũng không thể làm hết, làm triệt để nếu người dân và doanh nghiệp chưa vào cuộc. Do đó, cần tăng cường thêm ý thức cả doanh nghiệp và người dân, ngoài truyền thông thì phải tạo văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.