Gia Lai: Những điểm đến đẹp như tranh giữa đại ngàn
Xứ sở của những ngọn núi lửa
Theo thống kê, Gia Lai có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt. Những tàn tích qua hàng trăm triệu năm hình thành nên những kỳ quan thiên nhiên kỳ thú, nằm trong top những thắng cảnh tự nhiên đẹp nhất của Việt Nam và thế giới như: Biển Hồ, núi lửa Chưa Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp…
Trong đó, dấu tích miệng núi lửa âm đặc trưng nhất có thể kể tới là Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), điểm đến huyền thoại của người Gia Lai. Nơi đây được ví như “đôi mắt Pleiku” trong xanh, mênh mông tĩnh lặng.
Biển Hồ cách thành phố Pleiku chỉ 7 km, vốn là một hồ nước ngọt tự nhiên có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Hồ nước rộng lớn này được hình thành từ 3 miệng núi lửa thông với nhau đã ngưng hoạt động.
Vẻ đẹp hút tầm mắt của Biển Hồ nhìn từ trên cao |
Dấu tích nham thạch và tro than phun trào xa xưa đã tạo nên lớp đất đỏ bazan phì nhiêu cùng cảnh quan sinh thái vô cùng đa dạng với những con đường quanh co giữa núi đồi nhấp nhô mờ sương, rừng thông xanh mướt soi bóng xuống hồ.
Trong khi đó, Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa cổ dương nằm sừng sững giữa những cánh đồng rộng lớn, thuộc huyện Chư Păh, cách Pleiku hơn 30km về phía đông bắc. Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa tựa như một cái phễu khổng lồ, bao quanh lòng chảo là những nương rẫy cà phê, ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng... tạo nên một bức tranh vô vàn mảng màu thiên nhiên sống động.
Đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi hoa dã quỳ đồng loạt nở kiêu sa và hoang dại trải dài từ đỉnh núi xuống phủ dọc các lối đi biến nơi đây thành thảm vàng rực rỡ.
Hệ sinh thái tự nhiên và cuộc sống trù phú bên tàn tích các ngọn núi lửa khổng lồ được xem là một nét hấp dẫn độc đáo của Gia Lai, có thể khai thác phát triển thành những sản phẩm du lịch đặc trưng đậm dấu ấn vùng đất đại ngàn.
Nơi hội tụ những dòng thác kỳ vỹ
Một Gia Lai với những tương truyền về nét đẹp hoang dại được thể hiện rõ nét trong sự ồn ã của những dòng thác đổ từ độ cao hàng chục mét, tung bọt trắng xóa ngay giữa không gian xanh ngát, trong lành của những tán rừng nguyên sinh.
Những con thác đẹp nhất có thể kể đến là thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng, thác Ba Tầng, thác Xung Khoeng và hệ thống hàng chục con thác nằm trong Vườn quốc gia Kon Chư Răng và Kon Ka Kinh.
Vẻ đẹp hoang sơ, bình yên đến nao lòng của thác Mơ |
Thác Phú Cường là một trong những ngọn thác đẹp nhất của Gia Lai thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê. Ngọn thác chảy trên tàn tích của miệng núi lửa tạo thành những cột nước khổng lồ đổ từ độ cao 45 m xuống. Nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên cao, thác Phú Cường như một dải lụa trắng mềm mỏng vắt ngang núi rừng Tây Nguyên, vừa thơ mộng vừa hùng tráng. Địa danh này là điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình khám phá Gia Lai.
Một ngọn thác khác mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hùng vĩ đó là thác Mơ nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Kô, nơi có lòng hồ thủy điện Sê San 3A, được mệnh danh là “nàng công chúa ngủ quên trong rừng”. Đây là một thác nước độc đáo đổ từ trên cao tràn xuống bậc đá xếp tầng phía dưới, tạo thành từng bậc thang nước hùng vĩ, tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng.
Thảm thực vật rừng thông, đồi cỏ hồng độc đáo
Nếu như thành phố ngàn hoa Đà Lạt được nhắc tới như một xứ sở của rừng thông, đồi cỏ thì ít người biết Đăk Đoa (Gia Lai) cũng là nơi sở hữu đồi cỏ hồng rộng lớn hàng trăm hecta nằm xen kẽ dưới rừng thông, tạo nên khung cảnh thiên nhiên lãng mạn không hề kém cạnh.
Đồi cỏ hồng Đăk Đoa là địa chỉ check-in thu hút đông đảo giới trẻ |
Nơi đây được biết đến với tên gọi "Thung lũng cỏ hồng Glar" thuộc địa phận xã Glar, huyện Đăk Đoa, cách thành phố Pleiku chưa đầy 20km. Vào đầu đông dưới tán rừng thông xanh, những loài cỏ dại như cỏ đuôi chồn, lông chim… bung nở sắc hồng tuyệt đẹp kín cả một vùng đồi.
Nằm ngay ở ngoại ô Pleiku, đồi cỏ hồng thời gian gần đây trở thành điểm dã ngoại, check-in lý tưởng vào cuối tuần.
Mặc dù được xếp vào một trong những điểm du lịch có tiếng nhưng đến nay, đồi cỏ hồng mới chỉ đón được một lượng du khách hạn chế trong thời gian ngắn khi cỏ hồng nở, đa phần là khách lẻ tự phát, doanh thu thấp.
Gia Lai đang có kế hoạch kết nối khu vực này với những điểm đến như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya cùng nhiều thắng cảnh du lịch tuyệt đẹp khác như Biển hồ chè, chùa Minh Thành… hình thành nên tuyến du lịch trọng điểm để phát triển và khai thác thành những sản phẩm du lịch thế mạnh trong thời gian tới.
Do đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hạ tầng du lịch nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vốn có với chính sách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng lưu trú cao cấp, phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, du lịch văn hóa - lịch sử…
Đặc biệt, một số dự án du lịch trọng điểm đầu tiên chuẩn bị được triển khai tại địa phương, hứa hẹn một điểm đến mới nổi trên bản đồ du lịch Việt Nam mang tên Gia Lai trong tương lai không xa.