Theo đó, giá than kỳ hạn ở Newcastle đã tăng gần 140% vào năm 2022, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2008. Trong khi giá khí đốt kỳ hạn của Mỹ và giá khí đốt bán buôn của Hà Lan cũng đã tăng hơn 20%, tăng năm thứ ba liên tiếp. Trong khi giá dầu cũng đang trên đà tăng lần thứ hai trong năm, với dầu Brent tăng gần 6% và dầu thô Mỹ tăng gần 5%.
![]() |
Ảnh minh họa |
Do châu Âu sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để xây dựng lại kho dự trữ khí đốt vào năm tới sau mùa đông, giá khí đốt dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung mới hạn chế. Chưa kể việc Trung Quốc nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới - dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch chặt chẽ cũng có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ LNG nhiều hơn vào năm tới. Tuy nhiên, việc châu Âu áp trần giá khí đốt bắt đầu từ tháng 2 có thể giúp kiềm chế mức tăng giá trên thị trường và giảm bớt sự biến động trong năm nay.
Bên cạnh nhóm hàng năng lượng, giá các mặt hàng lương thực cũng tăng chóng mặt. Giá lúa mì tương lai chuẩn Chicago đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 13,63-1/2 USD/giạ vào tháng 3 do cuộc xung đột Nga - Ukraine làm giảm nguồn cung từ Ukraine - nhà xuất khẩu ngũ cốc chính sang thị trường toàn cầu vốn đã khan hiếm do thời tiết bất lợi và các hạn chế liên quan đến Covid-19. Giá ngô và đậu tương đạt mức cao nhất trong một thập kỷ, trong khi giá dầu cọ thô chuẩn của Malaysia tăng lên mức kỷ lục mọi thời đại.
Trong tương lai, giá lương thực có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi vì sản lượng lúa mì khó có thể bổ sung lượng hàng tồn kho đang cạn kiệt trên thế giới, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, trong khi các loại cây trồng sản xuất dầu ăn đang phải chịu thời tiết bất lợi ở Châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á. “Lúa mì mùa đông của Mỹ đang phải đối mặt với thời tiết lạnh giá khắc nghiệt và ngay cả khi vụ mùa được cải thiện, chúng tôi sẽ (chỉ) có nguồn cung đó (chỉ) vào nửa cuối năm 2023”, một thương nhân tại một công ty thương mại quốc tế có trụ sở tại Singapore cho biết.
Thị trường gạo, vốn nằm ngoài đợt tăng giá ngũ cốc trong nửa đầu năm, cũng đã được thúc đẩy sau khi Ấn Độ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, quyết định hạn chế nguồn cung vào tháng 9. Theo đó giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tăng gần 6% vào năm 2022 và gạo 5% tấm của Việt Nam tăng hơn 15%.
Tuy nhiên cũng có nhiều loại hàng hóa cơ bản như kim loại công nghiệp, quặng sắt và cao su rớt giá mạnh trong năm qua bởi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc và lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới. Cụ thể giá đồng kỳ hạn ba tháng trên sàn giao dịch kim loại Luân Đôn đã giảm hơn 13% vào năm 2022; giá nhôm giảm khoảng 15%. Trong khi giá quặng sắt giao ngay cho Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ khoảng 2/3 nguồn cung toàn cầu, đã giảm khoảng 5% trong năm nay, xuống còn gần 115 USD/tấn.
Các nhà phân tích của Citi dự báo giá niken và kẽm sẽ giảm trong vòng 6 đến 12 tháng tới, do nguồn cung tăng mạnh, trong khi giá quặng sắt và nhôm được dự báo sẽ tăng.
Mặc dù việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 và cam kết tăng cường hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản đang ốm yếu đã giúp hỗ trợ giá kim loại đen và kim loại màu trong tháng 12. Tuy nhiên, sự lạc quan đã bị giảm bớt do tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở quốc gia này có xu hướng tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng vào năm 2023 nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong số các kim loại quý, giá vàng đã giảm khoảng 1% vào năm 2022, ghi nhận năm giảm giá thứ hai liên tiếp; trong khi giá bạc tăng gần 3%, bạch kim tăng 9% và palađi giảm 4%.
Mai Ngọc
Nguồn: