Giải bài toán an ninh lương thực
Nông sản tăng cầu, tăng giá
Ở thị trường thế giới, giá hợp đồng lúa mì tại Chicago (mức giá chuẩn cho thị trường thế giới), tăng hơn 6% trong tháng 3/2020. Giá thịt bò bán buôn tại Hoa Kỳ (Mỹ) lên cao nhất kể từ năm 2015. Giá trứng cũng có xu hướng tăng. Giá gạo thế giới trong nửa đầu tháng 3/2020 tăng mạnh, nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng hoạt động xuất khẩu sẽ thuận lợi và giá sẽ còn tăng tiếp. Và nguyên nhân của những điều này là do việc đẩy mạnh đảm bảo an ninh lương thực của một số nước (bằng động thái hạn chế xuất khẩu các loại lương thực chủ chốt).
Cụ thể như, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang thực hiện phong tỏa toàn quốc kéo dài 21 ngày. Kazakhstan (nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ 9 thế giới) cũng đã quyết định cấm xuất khẩu sản phẩm này cùng với một số mặt hàng nông sản khác như cà rốt, đường, khoai tây, kiều mạch. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty sản xuất bánh mỳ trên thế giới. Serbia cũng đã ngưng xuất khẩu dầu hướng dương và sản phẩm khác.
Nga để ngỏ khả năng ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu dầu và hạt hướng dương. Vào cuối tháng 3/2020, đã có những đề xuất giới hạn xuất khẩu ngũ cốc trong 3 tháng làm dấy lên nhiều quan ngại, bởi Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Nga còn là nhà cung ứng lúa mì chủ chốt cho Bắc Phi.
Cùng với đó, sản lượng dầu cọ ở Malaysia (nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới) cũng đang bị chậm lại. Và cũng lúc này, nhu cầu của các nước nhập khẩu lại tăng mạnh, như Iraq đang cần mua 1 triệu tấn lúa mì và 250.000 tấn gạo sau khi Chính phủ nước này xây dựng các kho dự trữ lương thực chiến lược. Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng mở các gói thầu mua mới gạo, lúa mì…
An ninh lương thực của Việt Nam luôn được đảm bảo |
Nguồn cung chậm vì logistics
Trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu hiện nay, các chuyên gia của KantarWorld Panel đánh giá, nguồn cung thực phẩm trên thế giới vẫn dồi dào, nhưng những rào cản về logistics lại khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều hạn chế. Tuy nhiên, không giống như những giai đoạn giá lương thực lên cao trước đây, hiện lượng tồn kho các mặt hàng thiết yếu như ngô, lúa mì, đậu tương và gạo, trên toàn cầu hiện nay rất dồi dào, nên giá cả sẽ không tăng mạnh nữa.
Ấn Độ vẫn là nơi có lượng gạo dự trữ rất lớn. Và việc tồn trữ gạo thế giới năm nay dự báo lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 180 triệu tấn, cao hơn 28% so với niên vụ trước. Hiện các quốc gia nhập khẩu gạo lớn như Philippines cũng đã dự trữ đủ dùng đến 4 tháng tiếp theo. Indonesia là nước nhập khẩu lúa mì lớn thứ 2 thế giới đã, cũng đã nhập khẩu đủ lượng dùng cho đến tháng 6 tới…
Riêng Việt Nam, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, vấn đề an ninh lương thực luôn được đảm bảo.