Giải bài toán đầu tư bãi đỗ xe công cộng
Từ bãi đỗ xe tự động thông minh đầu tiên
Cách đây vừa tròn 1 năm, bãi đỗ xe tự động thông minh đầu tiên của Đà Nẵng xây dựng tại khu đất 255 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu được đưa vào hoạt động. Đây là một trong hàng chục vị trí được Đà Nẵng quy hoạch bãi đỗ xe công cộng và mời tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy nhiên, do khó khăn trong kêu gọi đầu tư, UBND Đà Nẵng quyết định đầu tư từ ngân sách 28 tỷ đồng xây dựng bãi đỗ xe theo công nghệ từ Nhật Bản. Dù còn khiêm tốn nhưng đây là bước khởi đầu cho lộ trình xây dựng nhiều bãi đỗ tương tự trên toàn thành phố, tạo thông thoáng, giảm ùn tắc ở các trục đường lớn trong bối cảnh ô tô cá nhân ngày càng nhiều.
Được xây dựng trên diện tích 1.000 m2, bãi đỗ xe thông minh đầu tiên của Đà Nẵng có tổng quy mô 6 tầng (5 khoang mỗi tầng) thiết kế dạng thép lắp ghép. Nếu hoạt động hết công suất, bãi chứa được 50 phương tiện ôtô từ 4-7 chỗ. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ tăng thêm 75 chỗ đỗ xe.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Đà Nẵng, bãi đỗ xe được thiết kế, xây dựng phù hợp với tiện ích và thói quen sử dụng phương tiện giao thông đồng thời đầy đủ công năng của công trình giao thông tĩnh. Tại gác chắn tự động, khách vào gửi xe tại bãi xe được phát thẻ để chủ động quẹt thẻ ra vào, sau đó vận hành đưa xe vào bãi đỗ hoặc đi ra bằng thao tác đơn giản.
Bãi đỗ xe tự động thông minh đầu tiên của TP. Đà Nẵng được xây dựng. |
Để kiểm soát phương tiện ra vào, ngay cổng bãi đỗ xe được gắn 4 camera, bố trí nhiều góc khác nhau. Các dữ liệu từ đây được truyền trực tiếp về phòng điều hành để nhân viên túc trực kiểm tra, nhận thông tin loại xe để có kế hoạch sắp xếp phù hợp trong các khoang trống. Song song với hệ thống cứu hỏa, bơm nước hiện đại, bãi đỗ xe cũng được trang bị máy phát điện để đảm bảo cho việc vận hành được thông suốt trong mọi thời điểm.
Có thể nói bãi đỗ xe tại địa chỉ 255 Phan Châu Trinh được đưa vào sử dụng đã giúp giảm phần nào ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm, đặc biệt là tuyến đường trung tâm Nguyễn Văn Linh do quá nhiều ô tô đỗ dưới lòng đường.
Những năm gần đây, lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe ô tô con đang tăng lên nhanh chóng ở Đà Nẵng. Ước tính có hơn 120.000 ô tô các loại, gây áp lực ngày càng lớn lên hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, bến bãi (cả tĩnh và động). Đó là chưa tính tới lượng xe ô tô cá nhân từ địa phương khác di chuyển tới, lưu lại ngắn ngày và dài ngày vì mục đích làm việc, du lịch...
Các phương tiện cá nhân đậu đỗ xe trên đường gây ra bó hẹp mặt đường, ảnh hưởng đến việc lưu thông trên các tuyến đường, cũng như việc kinh doanh buôn bán của các hộ kinh doanh. Do vậy, việc đầu tư xây dựng Dự án bãi đỗ xe thông minh dạng xếp hình có thu phí đậu đỗ xe nhằm góp phần giải quyết bài toán giao thông đô thị, cải thiện cảnh quan, môi trường và đáp ứng nhu cầu đỗ xe tại khu vực thực hiện dự án là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Tạo cơ chế thuận lợi
Qua thống kê cho thấy, 3 năm gần đây (2019-2021), thành phố chỉ xây dựng 1 bãi đỗ xe thông minh và 22 bãi đỗ xe tạm, tổng diện tích sử dụng 74.531 m2 với 2.542 chỗ đỗ. Trước tình hình đó, tháng 6/2021, UBND Đà Nẵng thống nhất chọn 13 khu đất với tổng diện tích 48.838 m2 thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu đỗ xe công cộng. Thành phố ưu tiên quỹ đất cho giao thông tĩnh. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát quỹ đất, nhà đang cho thuê gần hết hạn, các quỹ đất chuẩn bị đấu giá… để đề xuất bổ sung vào quy hoạch và đầu tư làm bãi đỗ xe công cộng…
Ngoài ra, để thuận lợi cho xã hội hóa, kêu gọi nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi đỗ xe, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu và được UBND thành phố thống nhất xây dựng phương án đấu giá đất với mục đích đầu tư xây dựng bãi đỗ xe công cộng. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất xây dựng phương án đấu giá đất đầu tư xây dựng bãi đỗ xe công cộng tại các khu đất đã được UBND thành phố thống nhất chủ trương đầu tư bãi đỗ xe.
Về việc đầu tư các dự án bãi đỗ xe, Đà Nẵng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông đến năm 2030 với mục tiêu phải có 158 bãi đỗ xe công cộng với diện tích gần 3,9 triệu m2. Để đẩy nhanh tiến độ kế hoạch, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất chọn 13 khu đất để thực hiện đấu giá, nhằm kêu gọi đầu tư xây dựng bãi đậu đỗ xe công cộng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cho biết: Sở đã tiến hành công bố danh mục kêu gọi đầu tư 14 dự án bãi đỗ xe được HĐND thành phố thông qua, đồng thời công bố thông tin rộng rãi. Tuy nhiên cho đến nay, số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm vẫn còn rất khiêm tốn.
Để có một bãi đỗ như tại 255 Phan Châu Trinh, việc tìm nhà đầu tư và các thủ tục liên quan phải trải qua một thời gian rất dài. Nguyên nhân chủ yếu là vướng các vấn đề pháp lý về đất đai. Nhà đầu tư muốn bỏ tiền đồng thời đề xuất được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong một thời gian để hoàn vốn. Nhưng theo quy định hiện hành, dự án thuộc dạng này nhà đầu tư phải thực hiện chuyển quyền sử dụng đất và nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên đầu tư trên lĩnh vực hạ tầng đô thị, dự án bãi đỗ xe công cộng thường có vốn đầu tư lớn nhưng nguồn thu do cơ quan nhà nước phê duyệt thường thấp nên thời gian thu hồi vốn kéo dài. Khó khăn này cộng với việc phải trả thêm tiền sử dụng đất nữa thì nhà đầu tư không mặn mà cũng là chuyện dễ hiểu. Đó là chưa nói đến việc đầu tư vào các bãi đỗ xe công cộng gần như chỉ được hoạt động dịch vụ trông giữ xe mà không được phát triển thêm các dịch vụ khác.
Trong đề xuất mới đây gửi UBND Đà Nẵng, Sở Giao thông vận tải nhận định, việc tạo cơ chế thuận lợi để thực hiện đầu tư các bãi đỗ xe thông minh công cộng theo hình thức BOT có phần vốn góp của Nhà nước sẽ giúp thành phố kêu gọi nguồn lực của tư nhân, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giảm ùn tắc giao thông... Những điều này đều phù hợp với quy định pháp luật.
Một chuyên gia trong ngành giao thông nhìn nhận, việc đầu tư bãi đỗ xe thông minh công cộng theo hình thức BOT thì tổng vốn đầu tư theo cơ cấu gồm: Nguồn vốn góp của Nhà nước, nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn cho nhà đầu tư huy động. Giá trị tiền thuê đất (phần vốn góp của Nhà nước) được đưa vào tổng vốn đầu tư dự án, nhưng không đưa vào tổng mức đầu tư để tính phương án tài chính của dự án PPP.
Theo phương án tài chính, Đà Nẵng không thực hiện giao đất, nhà đầu tư chỉ được tính thu hồi vốn trên chi phí đầu tư xây dựng cộng chi phí quản lý, vận hành. Sau khi kết thúc vòng đời dự án bàn giao lại toàn bộ tài sản cho Nhà nước quản lý khai thác. Phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án PPP được xác định và theo dõi trên sổ kế toán tại thời điểm được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công tham gia vào dự án PPP theo quy định tại Thông tư 88/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Việc đầu tư các bãi đỗ xe công cộng theo hình thức BOT có phần vốn góp của Nhà nước sẽ hỗ trợ Đà Nẵng kêu gọi được nguồn lực của tư nhân, hỗ trợ và thúc đẩy và phát triển giao thông công cộng.