Giải bài toán nhân sự ngành sản xuất, gia công cơ khí
Theo bà Võ Thị Bích Thủy, Trưởng phòng Dịch vụ Tư vấn và Tuyển dụng - Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất đang gặp vấn đề về mặt nhân sự trên cả số lượng lẫn chất lượng, tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp Việt Nam ở phía Nam.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm rất quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả, năng suất phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Song song đó, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trong nước sau giãn cách, trước và sau Tết Nguyên đán cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.
Nhưng dù có rất nhiều đơn hàng đổ về thì các doanh nghiệp không đủ nhân công để thực hiện, nguồn lao động vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn. “Không sợ thiếu hàng, chỉ sợ thiếu người” là bài toán nan giải mà các doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải.
Về mặt chất lượng, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là nhân sự có trình độ nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, nhưng nguồn cung nhóm trình độ này rất ít, cung ko đủ cầu.
Kết quả khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) quý III/2021 cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm gần 15%, còn lao động đã qua đào tạo chiếm hơn 85%. Tuy nhiên, nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu.
Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021, số lượng lao động có trình độ nghề: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%. Thiếu hụt lao động có tay nghề cũng là bài toán nan giải tại thời điểm này.
Chia sẻ quan điểm tương tự với kết quả khảo sát kể trên, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch, Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE) cho hay: “Công việc ngành cơ khí đòi hỏi người quản lý phải biết đến từng chi tiết. Nguồn nhân lực cho ngành này cũng rất khó đào tạo. Cạnh tranh trên thị trường càng lúc càng gay gắt vì bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam còn có các doanh nghiệp nước ngoài”.
Mặc dù làn sóng Covid thứ tư quét qua đã khiến các doanh nghiệp sản xuất lao đao vì tình trạng thiếu hụt nhân lực, vẫn có không ít các công ty vững vàng vượt qua cơn sóng dữ và thành công trong việc giữ chân người lao động.
Một trong số đó là Công ty TNHH Takako Việt Nam. Ông Đỗ Nguyễn Nam Quân, Giám đốc Phòng Hành chính Takako Việt Nam đánh giá: “Covid-19 là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và khó khăn cho tất cả chúng ta. Tuy nhiên, nếu đánh giá rủi ro chủ động và đầy đủ thì chúng ta vẫn có thể ứng xử phù hợp để không quá bị động".
Cần đặt vấn đề nhân sự là một trong những trọng tâm phải xem xét trong các kịch bản chống dịch, doanh nghiệp phải suy nghĩ từ góc độ người lao động, quan tâm đến những người bị ảnh hưởng nhất, tạo kênh liên lạc để hỗ trợ kịp thời khi cần thiết, không để họ có cảm giác bị bỏ quên…
"Sự khác biệt trong cách chúng ta quan tâm đến người lao động sẽ giúp họ trụ vững và quay lại làm việc kịp thời, đầy đủ hậu đại dịch”, ông Đỗ Nguyễn Nam Quân chia sẻ.
Để giải bài toán nhân lực trong thời kỳ bình thường mới, các doanh nghiệp sản xuất cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía và nhiều cơ quan ban, ngành.
Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM (CSID) cho biết, CSID sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo cải tiến nhà máy cùng chuyên gia dự án SCORE (ILO VIETNAM) để đào tạo nguồn nhân lực về cải tiến tại nhà máy; tiến hành đánh giá năng lực cung ứng tại nhà máy cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa và tổ chức cải tiến theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, CSID cũng sẽ phối hợp Trung tâm đào tạo của Ban quản lý Khu công nghệ cao triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho ngành cơ khí chế tạo khuôn mẫu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.
Từ góc nhìn của đơn vị đào tạo, ông Nguyễn Quốc Văn, Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chia sẻ tín hiệu đáng mừng về việc cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho ngành sản xuất, hoạt động đào tạo của nhà trường luôn gắn liền với doanh nghiệp. Khoa hiện hợp tác chặt chẽ với hơn 100 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thường xuyên trao đổi góp ý chương trình đào tạo, giúp nhà trường thực hiện cải tiến liên tục.
Ngoài ra, có hàng trăm doanh nghiệp hiện sử dụng lao động tốt nghiệp từ trường, khoa. Nhà trường xây dựng trang web “vieclamcaothang.edu.vn” nhằm tạo ra một kênh hỗ trợ doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng, tìm kiếm ứng viên phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Hiện tại sinh viên đào tạo tại nhà trường sẽ được tham quan doanh nghiệp sản xuất vào năm 1, thực tập chuyên môn tại trường vào năm 2 và sang đến năm 3, các em sẽ tham gia thực tập sản xuất tại doanh nghiệp trước khi thực hiện bảo vệ đồ án tốt nghiệp.