Giải quyết tranh chấp qua tòa án theo thủ tục rút gọn: Cần tường minh hơn
Rút gọn nhưng phải đảm bảo tương thích
Về giải quyết tại tòa án, dự thảo Luật tại Điều 70 quy định về Vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể tại khoản 2, Điều 70 quy định, Vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1, Điều 317, Bộ luật Tố tụng dân sự hoặc khi có đủ các điều kiện sau đây: a) người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; b) Vụ án có chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án; c) Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài; d) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài.
Đồng thời tại Điều 78 của dự thảo Luật, bổ sung thêm khoản 5 vào Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, như sau: “5. Vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này hoặc quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, các quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về Bảo vệ quyền lợingười tiêu dùng như vậy tuy có thể làm gia tăng khối lượng công việc của hệ thống Tòa án nhưng sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Quyền lợi người tiêu dùng luôn được pháp luật bảo vệ |
Thảo luận về dự thảo Luật, nội dung giải quyết tranh chấp tại tòa án là vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến nhiều nhất. Phần lớn đều nhất trí với áp dụng thủ tục rút gọn, song còn nhiều quan điểm khác nhau về các điều kiện quy định cụ thể. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101 triệu đồng trở lên thì sẽ không được áp dụng là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
“Chúng ta đã có một kinh nghiệm lập pháp rất tốt, khi ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và trong nghị quyết này đã dành riêng Điều 8 để quy định về các điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu. Mặc dù tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu ngân hàng thường có giá trị rất lớn, có những vụ lên đến vài chục tỷ, vài trăm tỷ nhưng Quốc hội cũng không khống chế giá trị tranh chấp khi quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn”, nữ đại biểu dẫn chứng và cho rằng: “Vậy thì trong những vụ án dân sự liên quan tiêu dùng như thế này, tính chất của nó thường sẽ đơn giản hơn mà dự thảo lại khống chế là không được vượt quá 100 triệu là chưa phù hợp với thực tế, cũng chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của các luật, nghị quyết của chúng ta”. Từ đó, đại biểu Thủy kiến nghị trong Điều 70 nên bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và thiết kế lại để tránh mâu thuẫn với các quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, thiết kế như dự thảo Luật được hiểu là trong giải quyết vụ án dân sự về quyền lợi của người tiêu dùng, đối với các giao dịch có giá trị trên 100 triệu đồng thì áp dụng theo Bộ luật Tố tụng dân sự; còn dưới 100 triệu đồng thì áp dụng Luật này. Theo đại biểu, nên cân nhắc bỏ quy định giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng (điểm c khoản 2 Điều 70) và quy định theo hướng vụ án dân sự Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện.
Cần được thiết kế lại
Hoàn toàn đồng tình với các ý kiến nêu trên, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, để đảm bảo sự thống nhất trong công tác làm luật, việc ban hành văn bản sau thì phải tôn trọng những nguyên tắc và đặc biệt phải tôn trọng giá trị của các văn bản gốc trước đó. Tất cả mọi nội dung ở các văn bản luật khác nếu như có liên quan tới thủ tục rút gọn đều phải theo Bộ luật Tố tụng dân sự. Chính vì vậy, tôi đề nghị Điều 70 trong dự thảo Luật chỉ cần ghi “Vụ án Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thực hiện theo thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự” - đại biểu Thân nói và đề nghị bỏ luôn Điều 78, bởi nếu quy định như thế thì lại phải “sửa ngược” Điều 317 trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (đại biểu đoàn Bắc Giang) nêu ý kiến: Điều 70 quy định như dự thảo Luật là có trích dẫn Điều 317 nhưng lại đưa thêm mức 100 triệu đồng vào, và theo một số đại biểu nói, không phải là Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà hạn chế quyền của người tiêu dùng là có ý đúng, bởi có những vụ việc giá trị trên 100 triệu nhưng thủ tục thỏa mãn Điều 317 thì vẫn hoàn toàn có thể áp dụng để rút gọn. Do đó quy định như Điều 70 là chưa thỏa đáng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cũng dẫn kinh nghiệm thế giới cho thấy, luật pháp nhiều nước có quy định về giá trị của tranh chấp theo hướng các vụ án có quy mô nhỏ thường sẽ có cách giải quyết rất đơn giản, không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Ví dụ như luật của Đức, tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm. Bởi nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp.
Trở lại vấn đề dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nên thiết kế các quy định trong Điều 70 dự thảo Luật theo hướng: Nếu thỏa mãn các điều kiện của Điều 317 thì được áp dụng thủ tục rút gọn theo Điều 317; và nếu các quy mô tranh chấp dưới 100 triệu đồng nhưng có thể phức tạp, không thỏa mãn Điều 317 thì vẫn được giải quyết theo trình tự rút gọn. “Như vậy, chúng ta có 2 yếu tố để áp dụng thủ tục rút gọn: Một là theo Điều 317; hai là các quy mô tranh chấp dưới 100 triệu đồng. Vấn đề về quy mô cũng nên bàn tới, nhưng chúng ta nên thể hiện như thế nào đấy để nó không xung đột với Điều 317”, đại biểu nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu là tâm huyết, xác đáng và cụ thể. “Qua ý kiến của các vị đại biểu, chúng tôi sẽ cùng với cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để đảm bảo khả thi, đồng bộ, thống nhất, đặc biệt đối với Bộ luật Tố tụng dân sự”, ông Lê Quang Huy nói.