Giảm lãi suất tạo cú hích tăng trưởng tín dụng
Lãi suất điều hành mới không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận các NHTM | |
Giảm lãi suất hướng tới mục tiêu kép |
Các ngân hàng giảm mạnh lãi suất sau quyết định điều hành của NHNN |
Tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,55%/năm; 2 tháng 3,75%/năm và gửi từ 3-5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa 0,6 điểm % so với trước đó. Tương tự, tại Saigonbank lãi suất kỳ hạn 1 tháng – 2 tháng giảm mạnh từ 4,15% xuống còn 3,4-3,5%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 giảm từ 4,25%/năm xuống còn 3,6%/năm...
Lãi suất gửi kỳ hạn dài cũng được nhiều ngân hàng giảm thêm. Như tại Nam A Bank, biểu lãi suất huy động áp dụng từ 1/10, người gửi kỳ hạn 14-17 tháng lãi suất còn 7,1%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về 3,95%/năm. Động thái của các nhà băng diễn ra ngay sau khi NHNN công bố quyết định giảm một loạt các lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/10.
Theo đánh giá của Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, quyết định cắt giảm đồng loạt lãi suất điều hành của NHNN là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh các DN đang gặp khó khăn trong tái tạo năng lực sản xuất kinh doanh, mất cân đối cung cầu do đứt đoạn trong cung ứng...
Ở góc độ ngân hàng, việc giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận được nguồn tiền từ NHNN với lãi suất thấp hơn. Trên cơ sở đó, các ngân hàng chào mức lãi suất cho vay tốt hơn đối với khách hàng, qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng tích cực hơn. Nhất là giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên – lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho biết, động thái giảm đồng loạt lãi suất điều hành của NHNN không gây bất ngờ khi mà gần hai tháng nay các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động phù hợp với định hướng chung xuyên suốt của NHNN là cắt giảm dần chi phí tài chính hỗ trợ cho DN nhưng đảm bảo hoạt động kinh doanh, thanh khoản ổn định. “Hiện tại, các điều kiện cần thiết cho việc giảm lãi suất đã xuất hiện nên NHNN đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường đồng thời tạo đòn bẩy để kích tăng trưởng tín dụng”, ông Tùng nói.
Về phía người gửi tiền cũng không thấy bất ngờ với quyết định giảm lãi suất huy động của ngân hàng. Anh Xuân Trường (nhân viên kinh doanh ở quận Hoàng Mai) vừa tất toán khoản tiền gửi tiết kiệm 400 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng lãi suất 4,25%/năm tại một ngân hàng cổ phần quy mô vừa. Tuy nhiên, thay vì rút ra để kinh doanh hay làm việc khác, anh Xuân Trường quyết định gửi tiếp 3 tháng nữa dù lãi suất chỉ còn 3,95%/năm khi gửi tại quầy. “Mặc dù lãi suất thấp hơn nhiều so với đầu năm, nhưng tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm vì chưa biết kinh doanh, đầu tư vào đâu thời điểm khó khăn này”, anh Trường chia sẻ.
Theo đánh giá của khối phân tích tại CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ NHNN. “Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất”, khối phân tích BVSC nhận định.
Tuy nhiên, Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung lại có quan điểm lạc quan hơn. Theo ông Trung, có thể trước đây lãi suất cho vay ở mức 9-10%/năm mọi người không cân nhắc đầu tư hay vay vốn làm ăn. Nhưng khi lãi suất giảm xuống còn 6-7%/năm có thể họ cân nhắc lại đầu tư vì lúc đấy bài toán tài chính đã khác rồi. “Chính vì bối cảnh thị trường khó khăn như vậy, NHNN chủ động dẫn dắt thị trường tạo cơ hội kích đầu đầu tư mới. Do vậy, động thái giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, ông Trung nhận định.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, động thái giảm lãi suất chắc chắn tạo cú hích cho tăng trưởng tín dụng. Nhưng mức độ tăng trưởng thế nào lại tùy thuộc vào sự tự tin trở lại của các DN, người dân và của nền kinh tế. Sự tự tin đó ở mức độ ra sao lại phụ thuộc vào các yếu tố rất khó đoán định nhưng đóng vai trò quyết định cho nhiều vấn đề. Đó là sự phục hồi của nền kinh tế cũng như kiểm soát dịch bệnh, sản xuất vắcxin Covid tại các nước trên thế giới... Đây là yếu tố nằm ngoài tầm với của chính sách tiền tệ. “Hy vọng tình hình dịch bệnh đỡ phức tạp hơn khi thế giới sản xuất kịp vắcxin, giao thương giữa các nước quay trở lại, động thái giảm lãi suất thúc đẩy tích cực tăng trưởng tín dụng”, ông Tùng bày tỏ.
Ông Trung cũng kỳ vọng, khi dịch bệnh được kiểm soát tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, cộng thêm mặt bằng lãi suất thấp có thể giúp tăng trưởng tín dụng trong quý IV tăng mạnh. “Kịch bản khả quan nhất tín dụng trong năm 2020 có thể tăng trưởng 10%, còn kịch bản xấu cũng ở mức 8% chứ không thể thấp hơn”, ông Trung đánh giá.
Mặc dù đánh giá giảm lãi suất sẽ không tác động mạnh đến kích cầu tín dụng, song theo các chuyên gia, nỗ lực giảm lãi suất sẽ góp phần tạo nên tâm lý tích cực, hỗ trợ phần nào sự phục hồi của nền kinh tế.
“Chính sách hạ lãi suất của Việt Nam dù không giúp tăng trưởng tín dụng nhưng giúp giảm áp lực trả nợ rất nhiều. Nếu chúng ta kiểm soát tốt lạm phát trong thời gian tới thì dư địa hạ lãi suất sẽ còn rất nhiều”, ông Phạm Thế Anh - Trưởng Bộ môn kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân nhận định.