Giảm lãi suất tiếp sức doanh nghiệp
Bốn ngân hàng cho vay 314 tỷ đồng vốn tín dụng lãi suất ưu đãi |
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần qua, đã có 2 ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, HDBank đã ra thông báo giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất 120 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 1/11 đến 31/12/2022. Theo ước tính của HDBank, trong đợt giảm lãi suất này sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất; Tương tự sẽ có hơn 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với gần 10.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất. Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ được miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn…
Các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, cân đối nguồn vốn để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp |
Trước HDBank, một NHTM nhà nước là Vietcombank đã phát đi thông báo giảm lãi suất tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VND cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai đến hết 31/12/2022. Đại diện nhà băng này cho biết, đây là hành động thiết thực, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong việc chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của NHNN, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.
Sự quyết tâm tạo một mặt bằng lãi suất hợp lý của ngành Ngân hàng được thể hiện rõ khi mới đây, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu TCTD trên địa bàn tiếp tục cho vay và xem xét giảm lãi suất đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường dịp cuối năm, đặc biệt là thị trường Tết nguyên đán. Tại văn bản này NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, hiện nay chi phí đầu vào đang có xu hướng tăng, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá dịch vụ của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện ổn định lãi suất cho vay và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp để giữ ổn định giá thành, giá bán, góp phần ổn định thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu cuối năm, đặc biệt năm nay Tết Nguyên đán Quý Mão và năm mới Dương lịch 2023 gần nhau.
Để có dư địa giảm lãi suất, lãnh đạo một NHTM cho biết ngân hàng cân đối các nguồn vốn với giá hợp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đối tượng được giảm lãi suất có chọn lọc, tập trung cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.
Các chuyên gia đánh giá, việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay dù ít hay nhiều cũng là hỗ trợ quý giá đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại, cho thấy nỗ lực của các ngân hàng trong việc cân đối các chi phí, chỉ tiêu kinh doanh để “tiếp sức” doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, việc giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định như hiện tại cũng đã rất gian nan. Bởi lẽ, lãi suất huy động có chiều hướng tăng cao trong 2 tháng gần đây, đồng nghĩa chi phí đầu vào của ngân hàng tăng theo. Vì thế, việc có thể giảm lãi suất cho vay cho thấy các nhà băng rất nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp, Nhất là đang trong mùa cao điểm sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh cho năm mới thì điều này lại càng trở nên quý giá đối với doanh nghiệp.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã có rất nhiều hành động thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp. Minh chứng là lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 50.000 tỷ đồng; tổng số phí các TCTD đã miễn/giảm phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng khoảng 13.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ “zero fee”…
Ghi nhận những tín hiệu tích cực của thị trường nhưng một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay khó có thể thành xu hướng mà chỉ diễn ra ở những ngân hàng có nền tảng tài chính tốt, trong thời gian ngắn và đối tượng cũng chọn lọc. Bởi hiện tại lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng, tạo sức ép chi phí vốn lớn đối với ngân hàng. Do đó chỉ ngân hàng nào có lợi thế vốn rẻ mới có dư địa giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp. “Dù rất kỳ vọng vào việc nhiều ngân hàng sẽ tiếp nối hành động giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận điều này rất khó xảy ra khi mà lãi suất huy động vẫn đang trong xu hướng tăng. Bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp họ cũng đang nỗ lực để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra của năm. Nên không thể để NIM ở mức quá hẹp được”, vị này lưu ý và đề xuất, để giải quyết bài toán nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời gian tới cần đẩy mạnh việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Nếu gói hỗ trợ này nhanh chóng được giải ngân sẽ góp phần giảm áp lực gánh nặng chi phí vốn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục vụ sản xuất cuối năm và kế hoạch kinh doanh năm mới.