Giảm thuế TNDN để có ít nhất 2 triệu DN năm 2030?
Mở rộng dịch vụ thuế điện tử cho 15 tỉnh, thành phố | |
Đề xuất doanh nghiệp siêu nhỏ tính thuế theo doanh thu từ 0,4-4% |
Theo đó, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập DN (TNDN) hỗ trợ, phát triển DNNVV dự kiến sẽ miễn và giảm thuế TNDN xuống còn 15 - 17% cho một số đối tượng DNNVV giảm khoảng 5% so với mức thuế bình quân hiện nay là 20%.
Chính phủ cho rằng, với mức thuế TNDN giảm xuống 15-17% sẽ tạo điều kiện cho các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên mô hình DN. Qua đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu DN. Điều này sẽ giúp tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%.
Theo tính toán của Chính phủ, mặc dù với chính sách này, có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm, nhưng đổi lại, sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho họ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.
Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì trong soạn thảo dự thảo nghị quyết này thì cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng DN để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế - xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Cùng đó, áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; áp dụng thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Đối với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đến nay đã có được sự thống nhất cơ bản giữa các nội dung còn ý kiến khác nhau như về xoá nợ thuế, xử lý chậm nộp thuế, khoanh nợ thuế…
Chẳng hạn, giải trình về các trường hợp xoá nợ dự thảo, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính và cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cho biết, theo dự thảo luật, trường hợp xoá nợ là cá nhân đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với điều kiện là không có tài sản để nộp tiền thuế nợ. Đối với các trường hợp khác thì có điều kiện là cơ quan quản lý thuế đã áp dụng đầy đủ biện pháp cưỡng chế, đồng thời khoản nợ này đã quá 10 năm không có khả năng thu hồi.
Theo Luật DN, DN chịu trách nhiệm hữu hạn trên số vốn điều lệ của DN, trong trường hợp giải thể, phá sản thì số tiền thanh lý thu được được thanh toán theo thứ tự: các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác của người lao động; nợ thuế; các khoản nợ khác. Quy định này không áp dụng đối với những người tham gia góp vốn. Đối với chủ DN tư nhân thì phải sử dụng tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thuế.