Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong dịp Tết
Đà Nẵng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái Ngăn chặn hàng giả trên sàn thương mại điện tử |
Thị trường diễn biến phức tạp
Tại Quảng Nam, mới đây lực lượng chức năng vừa phát hiện và thu giữ 21,5 tấn đường kính, 205 nồi cơm điện không rõ nguồn gốc. Cụ thể, trên địa phận xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, khi kiểm tra ô tô, do Trần Ngọc, trú tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) điều khiển các cơ quan chức năng phát hiện xe vận chuyển số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc gồm: 21,5 tấn đường kính, 205 nồi cơm điện. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Trần Ngọc đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số hàng trên.
Tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu ở Đà Nẵng |
Cũng tại Quảng Nam, tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp cùng Công an huyện Thăng Bình tiến hành kiểm tra kho hàng của chủ hộ kinh doanh Võ Thị Ngọc Nhụy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa vi phạm gồm 2.600 đôi giày, dép nam nữ các loại, không thể hiện được tên, địa chỉ của nhà sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên để xử lý theo quy định của pháp luật với tổng giá trị xử phạt hơn 50 triệu đồng…
Trong khi đó, tại Đà Nẵng tình trạng hàng giả, hàng nhái… cũng đang có những dấu hiệu “nóng” lên trong thời gian gần đây. Đơn cử, mới đây Cục Quản lý thị trường thành phố đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại cửa hàng kinh doanh Story Cáo Si ở quận Liên Chiểu, do bà N.Q.N là chủ hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện cửa hàng Story Cáo Si đang trưng bày để bán hàng hóa là các sản phẩm áo thun, áo khoác, quần dài có gắn dấu hiệu “adidas” là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu adidas đang được bảo hộ tại Việt Nam…
Tương tự, lực lượng chức năng địa phương cũng đã phát hiện tại cửa hàng Luxury Shop của Công ty TNHH Café Avancee, nằm trên địa bàn quận Sơn Trà, đang trưng bày, bán hàng hoá là túi xách có gắn nhãn hiệu Louis, Vuitton, Chanel… là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu. Sau đó, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty nêu trên với số tiền xử phạt 20 triệu đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy đối với toàn bộ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nêu trên.
Trước đó, Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy gần 26 nghìn đơn vị sản phẩm là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Các sản phẩm chủ yếu gồm: quần áo, giày dép, túi xách, phụ kiện điện thoại, hàng gia dụng… là hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng giả mạo nhãn hiệu, bên cạnh đó còn có gần 14 nghìn bao thuốc lá điếu nhập lậu, nhiều nhất là thuốc lá điếu mang nhãn hiệu ESSE và Jet…
Tăng cường đấu tranh ngăn chặn
Trước tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang có những diễn biến phức tạp trên thị trường các địa phương trong khu vực như Quảng Nam hay Đà Nẵng đã và đang tăng cường các biện pháp đấu tranh ngăn chặn.
Ông Phạm Ngọc Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng cho biết, thời điểm trước Tết Nguyên đán như hiện nay nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra sôi động hơn. Đồng thời, tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại cũng có khả năng tăng mạnh, nguy cơ cao ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng…
Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong dịp gần Tết Nguyên đán đang cận kề cũng theo ông Phạm Ngọc Sơn, Cục Quản lý thị trường thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn. Cụ thể, kế hoạch bắt đầu triển khai từ ngày 20/11/2023 đến ngày 1/2/2024, đây là thời gian cao điểm tập trung công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm, bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ, pháo hoa các loại… Kết quả ban đầu thực hiện kế hoạch chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị đã kiểm tra 288 vụ việc, qua đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 246 vụ với tổng số tiền phạt hơn 922 triệu đồng nộp Ngân sách Nhà nước, đồng thời buộc tiêu hủy đối với tang vật vi phạm có trị giá gần 300 triệu đồng.
Tương tự, tại Quảng Nam, UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 380 yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện theo dõi diễn biến cung cầu, nắm bắt tình hình các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có biện pháp điều hành giá phù hợp trong dịp Tết Giáp Thìn 2024. Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, hàng giả, hàng nhái… Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, đơn vị đã và đang tăng cường kiểm tra những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như, hàng điện tử, điện lạnh; quần áo, giày dép; lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát…; mua, bán trao đổi hàng hoá trên sàn giao dịch điện tử, mua, bán online, các website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến… Góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.