Góp phần định hình lại nền nông nghiệp
Tuy nhiên, theo báo cáo nhanh của một số địa phương, hiện chỉ có một bộ phận nhỏ trang trại nông nghiệp (ước tính không quá 3-5% tổng số trang trại của từng địa phương) ngoài sản xuất nông nghiệp có kết hợp các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn và đa số không có hoạt động lưu trú dành cho khách du lịch qua đêm. Trong khi đó, mô hình HTX phát triển du lịch gồm: HTX sản xuất sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch và HTX phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng, phổ biến ở những vùng có quỹ đất còn rộng như miệt vườn miền Đông, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên, miền núi và trung du… đem lại nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương.
Ảnh minh họa |
Trên thực tế, việc phát triển các loại hình du lịch này thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời còn thu hút và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; giúp xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng để người nông dân gắn bó hơn với quê hương. Quan trọng hơn khi du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn tạo nên sự phong phú hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, vừa thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, vừa đóng góp hiệu quả cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Mặt khác, khu vực nông thôn và giá trị nông nghiệp là nguồn tài nguyên quý giá, đóng vai trò là điểm đến, cung cấp không gian và các dịch vụ giúp ngành du lịch hình thành hệ thống sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn; mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm những giá trị khác biệt của khu vực nông thôn so với các khu vực đô thị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung nhìn nhận.
Dù rất có tiềm năng, lợi thế song hoạt động du lịch trong các trang trại, HTX nông nghiệp hiện vẫn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, thiếu quy hoạch kết nối nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Đó còn là bởi sản phẩm đơn điệu, nghèo nàn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên nên dễ trùng lặp. Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa điểm đến với các doanh nghiệp lữ hành, giữa sản xuất hàng hóa với tiêu dùng du lịch… để hình thành nên chuỗi giá trị gia tăng may đo riêng cho từng thị trường khách. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho mô hình du lịch mới này chưa được coi trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành cũng như công tác đào tạo kỹ năng và tư duy kinh doanh dịch vụ cho bà con nông dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức… Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung lý giải.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là góp phần định hình lại nền nông nghiệp Việt Nam xanh - sạch. Trong đó phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là lòng tự hào về quê hương, xứ sở. Thêm nữa, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được xác định là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nên rất cần sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan hoạch định chính sách, nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và công tác quy hoạch cho loại hình du lịch này. Tăng cường đào tạo kỹ năng hoạt động du lịch cho các trang trại, HTX và người dân. Nâng cao hơn nữa vai trò chủ động, quyết liệt của các địa phương cũng như sự vào cuộc chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp lữ hành nhằm khảo sát, nghiên cứu, định hướng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của du khách.