Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo
20 năm tín dụng chính sách xã hội: Hành trình kiến tạo no ấm (Bài 2) | |
20 năm tín dụng chính sách xã hội: Hành trình kiến tạo no ấm (Bài 1) | |
Tín dụng chính sách tiếp cận đến từng hộ nghèo ở đô thị |
Ngày 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, huy động được sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Theo đó, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; để thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo.
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH; đồng chí Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH đồng chủ trì hội nghị |
Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, với sự kiên trì, quyết tâm cao, phát huy nội lực của NHCSXH và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá; cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ NHCSXH thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Trong đó, NHNN chỉ đạo các TCTD Nhà nước duy trì tiền gửi tỷ lệ 2% tại NHCSXH. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường thì nguồn nhận tiền gửi của các TCTD Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong thời gian đầu khi NHCSXH mới đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, NHNN cũng tái cấp vốn để NHCSXH có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Toàn cảnh hội nghị |
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chia sẻ, vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó tập trung ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, huyện đảo, xã đảo, vùng bãi ngang ven biển. Trong 20 năm qua, mặc dù có những thời điểm còn khó khăn, nhưng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Đến ngày 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 279.732 tỷ đồng, tăng 271.101 tỷ đồng (gấp 32 lần) so với năm 2002. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21,1%. Hiện nay, gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, một số chương trình tín dụng chính sách chiếm tỷ lệ cao như: dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 35,7%; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24,7%; dư nợ cho vay tại huyện nghèo chiếm 10,9%...
Đại diện cho các hộ đang vay vốn ưu đãi, bà Ngô Thị Lan, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cho biết, gia đình bà được vay vốn hộ nghèo để sản xuất, kinh doanh đồng thời vay vốn theo chương trình tín dụng học sinh – sinh viên cho 2 con gái và 1 con trai học đại học và cao đẳng. Nhờ có vốn cho vay từ chương trình này, các cháu đã có điều kiện để học xong, ra trường đều có công việc và thu nhập ổn định. “Thay mặt gia đình tôi xin được cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền và ban ngành đoàn thể tại địa phương và đặc biệt là NHCSXH đã quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi được vay vốn để vươn lên trong cuộc sống”, bà Lan xúc động nói.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài)... Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%, giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011- 2015 từ 14,2 xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, đã được tổ chức thực hiện thành công, trên toàn quốc, được nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH được xây dựng có tính chất đặc thù, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam, phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; đồng thời huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phục vụ tốt cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH đã huy động được các nguồn lực tài chính một cách chủ động, linh hoạt, hiệu quả, đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng, bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương. Đến nay nguồn vốn huy động của NHCSXH đã tăng 41 lần (hơn 290.000 tỷ đồng) so với thời điểm thành lập; tiếp nhận vốn ủy thác của các địa phương khoảng 30.000 tỷ đồng, tăng 26.000 tỷ đồng so với thời điểm trước khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Một số thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương khu vực Đông Nam Bộ (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...) đã chiếm hơn 50% vốn ủy thác.
Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm ủy thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH để cùng chung tay thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái: Ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách Thời gian tới, tôi đề nghị NHNN Việt Nam tập trung chỉ đạo NHCSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương nghiêm túc triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Quyết định 1630 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kết luận của Ban Bí thư; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm: Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật; cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội như huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; Chủ động nghiên cứu, đề xuất từng bước mở rộng đối tượng chính sách được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với các Chương trình mục tiêu quốc gia, các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Nghiên cứu, đề xuất tích hợp thống nhất các chương trình tín dụng ưu đãi để tập trung nguồn lực, tránh dàn trải gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, lao động tiền lương, tạo động lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; cơ chế trích lập dự phòng rủi ro; tạo điều kiện để NHCSXH phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phù hợp với đặc thù của Ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của NHCSXH để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước; Tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm "Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng làm" đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là trong điều kiện các nguồn lực của nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn để cho vay các đối tượng chính sách nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát vốn vay chặt chẽ, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích sử dụng vốn. Tăng cường công tác thu hồi nợ quá hạn, xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan, tạo điều kiện để người vay khôi phục sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ tái nghèo. |
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh: Trụ cột trong các chính sách giảm nghèo Các chương trình tín dụng chính sách được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều và có điều kiện, góp phần giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo và các đối tương chính sách khác. Đây cũng là chính sách thể hiện rõ quan điểm từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không; tăng cường các chính sách hỗ trợ có hoàn trả, có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời gian thụ hưởng. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, tác động trực tiếp giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh) và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, là trụ cột của các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị: Cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho người nghèo với tín dụng chính sách xã hội, trên cơ sở phát huy vai trò của cộng đồng; lấy người nghèo làm chủ thể, lồng ghép với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình dự án khác, vốn đối ứng của hộ nghèo để tạo ra gói hỗ trợ đủ độ, giúp thoát nghèo bền vững; Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay hợp lý, tăng dần nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, giúp người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh có điều kiện để tiếp cận và tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định; Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho tín dụng chính sách xã hội để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thời gian tới, tín dụng chính sách xã hội sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột và đóng góp hiệu quả hơn nữa, đồng hành, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát huy nội lực, nỗ lực vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Phạm Tiến Nam: Nông dân có nhiều cơ hội tiếp cận vốn hơn Đến 30/11/2022 các cấp Hội Nông dân đang quản lý 51.637 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ ủy thác qua tổ chức hội đạt 83.397 tỷ đồng cho 1.973.120 tổ viên đang còn dư nợ, chiếm 30,1% tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,25%/tổng dư nợ ủy thác của hội. Chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý ngày càng được nâng cao, có gần 50 ngàn tổ xếp loại tốt, khá (chiếm tỷ lệ 96,1%). Nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho gần 12 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm và giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Kết quả trên khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa NHCSXH và các cấp Hội Nông dân ngay từ những ngày đầu tham gia công tác ủy thác. Phát huy điểm mạnh của một bên là ngân hàng - tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay, thu hồi vốn vay theo quy định và một bên là mạng lưới tổ chức Hội Nông dân trải rộng từ Trung ương đến cơ sở và tại các chi, tổ Hội Nông dân ở các thôn, ấp, bản, làng… cùng hàng chục nghìn cán bộ Hội Nông dân các cấp tham gia thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác (công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động; kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác; đào tạo, tập huấn và các hoạt động phối hợp thực hiện cùng NHCSXH) đã và đang là cầu nối đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch góp phần giúp cho hội viên nói riêng và các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhiều cơ hội tiếp cận vốn chính sách tín dụng. Đặc biệt, chúng ta đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng “có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, nắm bắt thị trường. Các cấp Hội Nông dân qua đó có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ Hội Nông dân; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức hội góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng: Cần nâng mức cho vay đối với vùng khó khăn Thông qua việc tổ chức có chất lượng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 112 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh vay vốn thoát ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh qua các giai đoạn 2001-2005 từ 15,5% năm 2003 xuống còn 11% vào năm 2005; giai đoạn 2006-2010 bình quân giảm 4,3%/năm; giai đoạn 2011-2015 bình quân giảm 2,61%/năm; giai đoạn 2016-2020 bình quân giảm 3,2%/năm. Qua 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, tín dụng chính sách xã hội đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Bổ sung đối tượng chuẩn hộ có mức sống trung bình được vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh; hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó nâng mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng (không phải bảo đảm tiền vay) và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, cây công nghiệp; nâng mức cho vay đối với chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 1205/QĐ-TTg ngày 19/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình, để phù hợp với chi phí xây dựng thực tế. |