Tín dụng chính sách tiếp cận đến từng hộ nghèo ở đô thị
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH đánh giá, cho vay vốn chính sách qua các tổ chức chính trị - xã hội hiệu quả nhất |
Ngày 4/11, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH) phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và chính sách trên địa bàn.
Hiệu quả nhờ bám sát người nghèo
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, tính đến cuối tháng 9/2022, tại TP.HCM các tổ chức chính trị xã hội đã tham gia quản lý gần 6.900 tỷ đồng dư nợ tín dụng chính sách, chiếm hơn 92% trong tổng dư nợ của NHCSXH tại TP.HCM.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM với 22 đơn vị cấp huyện và gần 300 đơn vị cấp xã đã cho vay gần 2.800 tỷ đồng. Hội Nông dân với 9 đơn vị cấp huyện và 91 đơn vị cấp xã đang quản lý hơn 760 tổ tiết kiệm vay vốn đã cho vay với dư nợ khoảng trên 1.400 tỷ đồng với 34.100 hộ dân còn dư nợ. Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên lần lượt quản lý 750 và 635 tổ Tiết kiệm vay vốn với doanh số cho vay ủy thác lần lượt khoảng 1.400 tỷ đồng và 1.237 tỷ đồng cho khoảng 58.300 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách khác còn dư nợ.
“Phương thức cho vay vốn tín dụng chính sách trực tiếp ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội hiện đang là phương thức hiệu quả nhất mà hệ thống NHCSXH thực hiện để truyền dẫn nguồn vốn tín dụng đến người nghèo và các cá nhân thụ hưởng ưu đãi tín dụng chính sách của Chính phủ” – ông Thắng nói và cho rằng, phương thức này có tính ưu việt là huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị các cấp, hỗ trợ người nghèo và các gia đình chính sách tiếp cận và sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện cuộc sống.
Theo đó, suốt 20 năm qua, mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn không ngừng được mở rộng, lan tỏa đến từng xóm, ấp chính là tiền đề quan trọng để chi nhánh NHCSXH TP.HCM thực hiện được các mục tiêu đưa nguồn vốn chính sách từ các chương trình của Chính phủ đến người dân.
Đến nay TP.HCM đã hình thành được hơn 3.600 tổ tiết kiệm vay vốn tại 100% các xóm, ấp, khu phố. Các tổ này đều vận hành theo nguyên tắc tự nguyện, giúp đỡ lẫn nhau, bình xét dân chủ và công khai nên hiệu quả giải ngân vốn vay rất tích cực; cùng với đó công tác huy động tiết kiệm để có nguồn vốn tái cho vay người nghèo cũng rất tốt.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Văn Thanh, Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đánh giá, thành công lớn nhất mà hệ thống NHCSXH đạt được là đã phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn của từng địa phương và chính quyền cấp cơ sở. Đến nay đơn vị này đang quản lý hơn 34.100 hộ vay vốn, nhưng chỉ có khoảng 2% gặp khó khăn, chưa trả nợ đúng hạn, trong khi đó 100% các tổ tiết kiệm và vay vốn đều tham gia gửi tiết kiệm vào NHSCXH với số dư tiền gửi trên 174 tỷ đồng. “Điều này cho thấy đoàn hội như cánh tay nối dài qua của NHCSXH đang hoạt động rất hiệu quả” – ông Thanh khẳng định.
Ở phía địa phương, bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng, hệ thống NHCSXH bám sát tới phường xã để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, cho thấy hiệu quả thực tiễn rất tích cực. Đơn cử tại Bình Chánh, trong 20 năm qua, với 11 chương trình tín dụng chính sách, đã cho vay hơn 73.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tổng doanh số cho vay trên 1.360 tỷ đồng với trên 11.000 khách hàng còn dư nợ.
Sử dụng hiệu quả vốn địa phương ủy thác
NHCSXH chi nhánh TP.HCM đánh giá nguồn vốn ủy thác của địa phương đã góp phần quan trọng thực các chương trình cho vay |
Ông Trần Văn Tiên, Giám đốc NHCSXH chi nhánh TP.HCM cho biết, từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, ngân sách thành phố và các quận huyện đã ủy thác cho ngân hàng khoảng hơn 2.800 tỷ đồng tăng gấp gần 9 lần so với 2004. Tính đến cuối tháng 9/2022, TP.HCM là địa phương thứ hai sau Hà Nội về tổng số vốn ngân sách địa phương ủy thác để cho vay người nghèo và các gia đình chính sách.
Nhờ nguồn vốn ủy thác của UBND TP.HCM và các quận, huyện, thành phố cùng với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương trong những năm gần đây hệ thống NHCSXH tại TP.HCM đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng trọng điểm như: cho vay hỗ trợ đào tạo việc làm với dư nợ hơn 4.350 tỷ đồng, chiếm 58,1% tồng dư nợ, hỗ trợ khoảng 321.700 lượt lao động nghèo có việc làm, tăng thu nhập. Cho vay hỗ trợ giảm nghèo với dư nợ 1.336 tỷ đồng, chiếm 17,8% tổng dư nợ. Cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường dư nợ gần 700 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ…
Đặc biệt, trong hai năm qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nguồn vốn sẵn có hệ thống NHCSXH tại TP.HCM đã giải ngân cho vay hơn 667 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn vay vốn trả lương cho người lao động bị ngừng việc, mất việc làm.
Bên cạnh đó, nguồn tín dụng chính sách cũng đã cho vay khoảng 350 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 10.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nguồn vốn mua sắm máy móc, thiết bị học tập và trang trải học phí, sinh hoạt trong quá trình theo học ở các cơ sở đào tạo. Trong các tháng đầu năm 2022, thực hiện theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về ưu đãi tín dụng nhằm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, hệ thống NHCSXH TP.HCM cũng đã cho vay khoảng hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ các cơ sở đào tạo ngoài công lập phục hồi sau dịch Covid-19, cũng như hỗ trợ hơn 3.000 lượt lao động tự do tại các cơ sở kinh doanh bị thu hẹp sau dịch bệnh có nguồn vốn duy trì cuộc sống và kiếm việc làm mới, ổn định kinh tế gia đình.
Vốn tín dụng chính sách liên tục gia tăng Theo Báo cáo của NHCSXH chi nhánh TP.HCM, đến cuối tháng 9/2022 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại đơn vị đạt khoảng hơn 7.500 tỷ đồng, tăng khoảng gần 7.400 tỷ đồng so với năm 2003. Trong đó, vốn Trung ương chiếm khoảng 58,6%, vốn ủy thác từ địa phương khoảng hơn 41,4%. Còn lại là nguồn vốn do chi nhánh tự huy động. Tính lũy kế đến đầu tháng 10/2022, NHCSXH chi nhánh TP.HCM là kênh dẫn vốn đã giúp gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng khác tiếp cận nguồn tín dụng chính sách. Doanh số cho vay đạt khoảng 21.500 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 276.000 lượt hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho khoảng hơn 321.700 lượt lao động; hỗ trợ khoảng 120.000 lượt học sinh viên có vốn học tập, xây dựng; cải tạo khoảng 320.700 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và hỗ trợ khoảng 12.000 hộ gia đình có nhà ở ổn định sau khi bị giải tỏa do phát triển các công trình công cộng trên địa bàn. |