Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII: Phải kiểm soát quyền lực thật tốt
Ngày 28/10, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đây là Hội nghị thứ hai nằm trong chuỗi 4 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam...
Các đồng chí chủ trì hội nghị. |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Do đó, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý những vấn đề chung hoặc những vấn đề cụ thể đã nghiên cứu sâu, am hiểu rộng.Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có 7 Hội đồng Tư vấn về các lĩnh vực: Dân chủ - Pháp luật; Văn hóa - Xã hội; Khoa học, Giáo dục và môi trường; Kinh tế; Dân tộc; Tôn giáo; Đối ngoại và Kiều bào. Các Hội đồng đã giúp Ban Thường trực Ủy ban góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những vấn đề về đời sống nhân dân; tham gia phản biện nhiều dự thảo văn bản Luật mang lại hiệu quả thiết thực.
Góp ý tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên vẫn còn quá dài và dàn trải không làm nổi bật được đâu là nội dung quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2021-2025. Văn kiện cần chỉ ra những nội dung cụ thể, sâu đậm, những trọng tâm nhất, cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ tới.
Vấn đề phòng chống tham nhũng được nhiều đại biểu góp ý. PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường của Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền, đặc lợi... Đó là miếng đất dung dưỡng nạn tham nhũng lãng phí. Cùng với đó, phải chống được tham nhũng vặt, đừng coi thường tham nhũng vặt. Bởi tuy là tham nhũng vặt, nhưng ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân và lòng tin của họ, điều đó là không hề nhỏ, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn. Chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động…
GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại Hội nghị . |
Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào, ông Phạm Xuân Sơn cũng cho rằng: Cần phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng. Các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng. Mặc dù đến nay Đảng và Nhà nước ta chưa có những biện pháp để ngăn ngừa hoặc là ngăn chặn triệt để tệ nạn này, chưa thể làm cho những người những người thoái hóa là không dám tham nhũng không muốn tham nhũng không thể tham nhũng…. nhưng rõ ràng những kết quả đạt được trong cái nhiệm kỳ này là rất ấn tượng. Qua đó góp phần củng cố niềm tin của toàn đảng toàn dân đối với Đảng và Nhà nước.GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, để chống tham nhũng thành công, phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Bên cạnh đó, phòng chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng.
“Trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất mờ nhạt, mà theo dư luận điều mà người ta hân hoan nhất, phấn khích nhất không phải là những vấn đề khác mà chính là chống tham nhũng, chống quốc nạn này. Đa số mọi người đều mong muốn là công tác này được tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người mà có bản lĩnh có trí tuệ có đạo đức liêm khiết, kiên quyết kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này”, ông Phạm Xuân Sơn nói.
Góp ý vào vấn đề văn hóa, TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội cho rằng, những hạn chế, yếu kém trong báo cáo chính trị đã được chỉ ra khá nghiêm khắc và chính xác, đó là “văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có xu hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần”.
Theo TS Nguyễn Viết Chức, đó là nhận định xác đáng nhưng không mới vì đã nói nhiều rồi. “Tại sao Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị?”, TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề. Theo ông, kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là “quên” đi văn hóa, kinh tế có thể đi trước nhưng văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xướng với đầu tư cho kinh tế, như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay.
“Sự mất cân bằng ấy đã sinh ra hệ lụy khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, phân tâm, suy giảm khối đại đoàn kết toàn dân. Nhân dân không thể tin vào “bộ phận không nhỏ” tham nhũng, thoái hóa, biến chất. Nhân dân không thể chấp nhận thói tham lam, vụ lợi, bè phái, ích kỷ, buông thả, suy đồi... trái với văn hóa truyền thống "đói cho sạch, rách cho thơm”, "thương người như thể thương thân” – TS Chức góp ý.
“Nội dung tôi tâm đắc nhất là đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, cái bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thành nhân cách và phẩm giá con người. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền trung dữ độc đến như vậy có phải do con người tác động không?...”, ông Nguyễn Viết Chức trăn trở.
TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội phát biểu tại Hội nghị. |
Bên cạnh đó, nên đánh giá sâu hơn việc đổi mới đã toàn diện, đã đồng bộ như yêu cầu Đảng ta đề ra chưa? Phải chăng giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ, còn sự khác biệt, chênh lệch về tốc độ và trình độ, chất lượng đổi mới, tạo nên độ chênh lệch. Điều này nhiều khi dẫn đến sự giãn cách giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, đổi mới ở cấp trung ương với các địa phương...PGS.TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Khoa học, giáo dục và môi trường của Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, nên có sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với quá khứ đất nước trước khi đổi mới để thấy sự thay đổi vượt bậc, để tăng thêm niềm tin và hy vọng. Đồng thời so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, có thể gây nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.
Đề cập đến vấn đề lợi ích quốc gia - dân tộc, ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại - Kiều bào cho rằng, nên diễn đạt “bảo đảm trên hết và trước hết lợi ích quốc gia - dân tộc” thành “bảo đảm tối cao lợi ích quốc gia - dân tộc” để thể hiện được sự coi trọng cao độ đối với lợi ích quốc gia - dân tộc hiện nay. Ngoài ra, cần điều chỉnh lại cách diễn đạt về Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN (trang 45) khi nói về “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hoá và lợi ích quốc gia - dân tộc;...”. Cách diễn đạt này có thể dẫn đến cách hiểu là các thành tố “độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hoá...” là tách biệt khỏi và không phải là nội hàm cấu thành của lợi ích quốc gia - dân tộc.