Hà Nội dừng hoạt động xe máy vào năm 2030: Cần có lộ trình phù hợp
Việc cấm xe máy sẽ được áp dụng tại địa bàn 12 quận trong nội thành Hà Nội gồm: Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Tây Hồ và Nam Từ Liêm. Trước đó, TP. Hà Nội cũng đã hai lần nhắc đến lộ trình giảm xe máy vào năm 2017 và năm 2021 nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. TS. Phan Thị Mỹ Thanh, trường Đại học Công nghệ Giao thông-Vận tải khẳng định, việc hạn chế phương tiện cá nhân trong đô thị là cần thiết, điều này cũng đã áp dụng ở nhiều quốc gia và đặc biệt phù hợp với các đô thị có quy mô dân số lên tới gần chục triệu dân tại các thành phố lớn ở Việt Nam.
Cần có hệ thống hạ tầng tốt và phương tiện giao thông công cộng tiên tiến |
Dù đồng tình với phương án hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô, nhưng anh Nguyễn Thanh Bình, người dân tại quận Hoàng Mai băn khoăn, việc cấm xe máy đi nội đô thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kế sinh nhai của người làm công việc giao hàng, giao đồ ăn hay những người thu nhập thấp. Cụ thể, với người giao đồ ăn, họ không thể mang đồ ăn lên mỗi chuyến xe buýt, chưa kể thời gian chờ xe buýt khá lâu, khách lại cần đồ ngay, trong khi mua ô tô đi làm là điều quá viển vông.
Tương tự, chị Tống Khánh Linh, quận Đống Đa cho biết, nhà chị nằm trong ngách, muốn ra tới điểm đón xe buýt ở đường chính phải đi bộ khoảng 15 phút. Cùng thời gian này, nếu di chuyển bằng xe máy chị đã có thể đưa con đến trường và đến cơ quan làm việc. Nếu có phương án để cải thiện hệ thống giao thông công cộng đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu thì người dân sẽ tự thay đổi thói quen.
Cần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng
Như vậy có thể thấy, cả người dân, chuyên gia đều đồng tình với phương án giảm phương tiện cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường nhưng vẫn bày tỏ sự băn khoăn khi chưa có hạ tầng giao thông công cộng đồng bộ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Lại nữa, Hà Nội cũng chưa hoàn thành công tác triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Theo các chuyên gia, hiện xe máy đang là phương tiện truyền thống của người dân, không thể nói cấm là cấm được. Thời điểm đến năm 2030 là quá ngắn với thực tế đang diễn ra tại Thủ đô. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội gồm buýt, BRT, metro đã khá mạnh, mạng lưới phủ dày, tần suất xe cao nhưng để có thể gánh hết toàn bộ nhu cầu giao thông từ xe máy chuyển sang thì chưa thể. Nếu muốn hiệu quả cần thí điểm ở từng khu vực, sau đó mới nới rộng ra các vùng lân cận…
Theo TS. Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông, khi cấm xe máy thì một bộ phận người dân có khả năng sẽ chuyển sang đi ô tô cá nhân. Nếu tỷ lệ này cao thì sẽ có nguy cơ dù cấm xe máy vẫn không giảm được ùn tắc. Bởi vì ô tô chiếm diện tích lớn hơn nhiều và không linh hoạt bằng xe máy.
Để thực hiện các biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, TS. Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng, cần làm cho giao thông công cộng trở nên tốt hơn, tiếp cận thuận lợi hơn và chất lượng dịch vụ cao hơn, giá rẻ hơn, qua đó làm cho người dân chuyển dịch thói quen không sử dụng phương tiện cá nhân khi nhận thấy nó kém hấp dẫn hơn về mặt sở hữu và sử dụng.