Rào cản thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh
Giá phải trả khi môi trường bị hủy hoại
Theo các chuyên gia và nhà khoa học, nếu không bảo vệ ngay bây giờ, thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6%-7% GDP. Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8%-10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5%-6% GDP.
“Với con số này, thì tăng trưởng 8%-9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường”, PGS, TS Lê Quốc Lý – nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã lưu ý những thông tin này tại Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” ngày 24/9.
Tăng trưởng xanh cần sự phối hợp của các bên, sự đồng lòng của mọi người dân và doanh nghiệp |
Cam kết của Việt Nam ở Hội nghị COP 26 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, phát thải ròng bằng “0” (PTR0) vào năm 2050.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng đặt mục tiêu, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
PGS, TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh đến việc tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh, sạch, đẹp không phải chỉ được thực hiện khi giàu có, mà cần được triển khai thực hiện ngay từ bây giờ, trong từng bước phát triển của đất nước và được triển khai trong từng cơ chế, chính sách phát triển cụ thể.
Đây chính là ba trụ cột bảo đảm sự phát triển của nền kinh tế, xã hội của một đất nước theo nguyên lý kiềng 3 chân, lệch bên nào cũng đưa đến không cân bằng và có nguy cơ đổ vỡ. Nhưng hiện nay kinh tế văn hóa chưa thực sự là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, chưa đóng góp đáng kể vào GDP. Vì vậy cần phải quan tâm đúng mức tới vấn đề phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội.
Bàn đến vấn đề tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường cho rằng “chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn giúp đáp ứng các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.
Theo ông Chinh, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, mà còn ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để hướng tới nền kinh tế xanh từ việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, vị chuyên gia này cho rằng, cần phải tiếp tục có những triển khai tiếp từ nhận thức đến xem xét lại cơ chế chính sách và sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với xu thế chung toàn cầu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới.
Nhiều rào cản khi thu hút dòng vốn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam cũng gặp một số khó khăn, thách thức. Trong đó nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh còn hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công để thực hiện vai trò “vốn mồi”, làm đòn bẩy cho huy động đầu tư tư nhân. Sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế đang giảm dần.
Theo các chuyên gia tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam rất lớn nhưng đang còn không ít rào cản. Hệ thống pháp luật đang trong quá trình tiếp tục xây dựng hoàn thiện, nên chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” trong điều kiện cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn hướng đến nền kinh tế xanh, theo PGS, TS Nguyễn Thế Chinh, giải pháp đầu tiên và rất quan trọng đó là cần luận giải rõ nội hàm của các khái niệm và định nghĩa “kinh tế tuần hoàn” và “kinh tế xanh”, từ đó tuyên truyền và phổ biến nhân rộng cho toàn xã hội.
Tiếp đó phải có tiêu chí. Kinh tế tuần hoàn có tiêu chí của kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh có tiêu chí của kinh tế xanh.
Bên cạnh đó, phải có sự gắn kết của kinh tế tuần hoàn với các tiêu chí xanh khác để hướng đến nền kinh tế xanh. Cơ chế chính sách cần tiếp tục khắc phục sự bất cập liên quan đến kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Chúng ta đang triển khai đồng thời “chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” và “đề án kinh tế tuần hoàn”, hai nội dung này phải có sự bổ sung và là tiền đề cho nhau.
Với những mục tiêu đặt ra ở Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và cam kết ở COP 26, Việt Nam thể hiện rõ quyết tâm là một quốc gia tiên phong về tăng trưởng xanh. Giải quyết tốt được các rào cản trên Việt Nam có thể trở thành một quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.
Việt Nam đang rất nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Nhưng để thành công cần sự phối hợp đồng bộ, toàn diện từ tất cả các bên liên quan cùng sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.