Hài hòa lợi ích các bên trong dự án BOT
Gỡ vướng chính sách lãi vay và hoàn thuế GTGT dự án BOT Có nên dùng ngân sách giải cứu dự án BOT? Đề xuất nhà nước mua lại 8 dự án BOT: Nên hay không? |
Chủ đầu tư đã đề nghị tạm dừng công tác bảo trì dự án và bàn giao tài sản cho Cục Đường bộ Việt Nam vào cuối tháng 1/2023. Đáng chú ý, kể từ khi tạm dừng thu phí đến nay, đoạn Quốc lộ 51 huyết mạch nối các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ đã xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng, tình trạng ổ gà, mặt đường rạn nứt, vạch sơn phân làn nhiều đoạn bị mất..., tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do chưa thể giải quyết dứt điểm các tranh chấp nên đoạn đường này đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xem xét bố trí vốn ngân sách để duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp, cải tạo.
Trước đó, Dự án BOT đường tỉnh 768 qua địa phận tỉnh Đồng Nai do nhiều nguyên nhân cũng chưa thực hiện thu phí hoàn vốn trở lại. Tính đến nay, dự án này đã tạm ngưng thu phí hoàn vốn gần 4 năm. Trong khi đó, một hạng mục của dự án đã bị xuống cấp trầm trọng, làm gia tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, do dự án tạm dừng thu phí đã lâu nên nguồn kinh phí để thực hiện duy tu, sửa chữa tuyến đường này gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương điều chỉnh, đưa hạng mục trên ra khỏi Dự án BOT đường tỉnh 768 để đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Chủ đầu tư đã bố trí khoảng 10 tỷ đồng để thực hiện duy tu, sửa chữa hạng mục này. UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/12 sẽ thực hiện thu phí trở lại để hoàn vốn cho Dự án BOT đường tỉnh 768.
Theo các chuyên gia, công tác quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông là rất cấp thiết. Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có tính đặc thù, phục vụ mục đích công cộng, dân sinh, phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải tổ chức quản lý, khai thác để đảm bảo thông suốt và an toàn. Do vậy, cần có những giải pháp kịp thời, giải quyết những tranh chấp nhằm tổ chức, thực hiện quản lý, bảo trì và khai thác các huyết mạch giao thông. Các giải pháp cần được xây dựng trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hoà lợi ích, đảm bảo trong dài hạn.
Trước những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông, Thường trực Chính phủ đã có văn bản yêu cầu bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương có dự án BOT đang đề xuất xử lý để rà soát, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng khó khăn, vướng mắc của các dự án; bổ sung đầy đủ thông tin đối với các dự án cần xử lý do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, rà soát các quy định của hợp đồng BOT để xác định cụ thể trách nhiệm chủ quan, khách quan của các chủ thể liên quan; cụ thể hóa được các lợi ích, hiệu quả của các dự án trong thời gian qua… Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp giải quyết phù hợp để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT.
TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng chia sẻ, điều nhà đầu tư cần nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với hợp đồng BOT đã ký. Phải có phương án hài hòa, không để doanh nghiệp BOT thiệt nhưng cũng không làm thất thoát ngân sách của Nhà nước.