Hài lòng với lãi suất thấp là 'nguy hiểm'
Ảnh minh họa |
“Điều làm tôi khó phân định nhất, một bên là nền kinh tế toàn cầu và sức khỏe người dân, với một bên là thị trường vốn", Sanjiv Misra, Phó chủ tịch Clifford Capital Holdings, nói.
“Bên thứ nhất đang đối mặt nhiều thách thức, còn bên thứ hai lại đang diễn ra sôi động như thể chúng ta đang trải qua một trong những đợt tăng trưởng mạnh nhất trong những năm gần đây”, ông nói tại Hội nghị thượng đỉnh ở Singapore hôm thứ Ba.
Các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải chống chọi với sự bùng phát của dịch Covid-19, nhưng thị trường chứng khoán đã phục hồi, với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong tháng Tám.
"Cuối cùng, khi chi phí vốn giảm mạnh như hiện tại, đó là tiền đề cho các quyết định đầu tư thiếu khôn ngoan, cho dù là đầu tư vào tài sản cố định hay rót vốn vào các thị trường khác" Sanjiv Misra, Phó chủ tịch Clifford Capital Holdings |
Misra cho rằng cầu nối giữa hai bên là "bức tường thanh khoản" đã được mở ra bởi các ngân hàng trung ương, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế giữa bối cảnh đại dịch lan rộng. Điều đó đã dẫn đến “lạm phát tăng do cung tiền dư thừa”, với thị trường chứng khoán là “đại diện dễ thấy nhất” của hiệu ứng nói trên.
Ông lưu ý rằng ở Mỹ, tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP đang ở mức cao nhất trong 50 năm và tỷ lệ vốn hóa thị trường so với thanh khoản cao gấp đôi so với trung bình toàn cầu.
“Khác biệt này là do hiệu ứng từ sự bùng nổ thanh khoản, mà chủ yếu là do kỳ vọng rằng lãi suất sẽ ở mức thấp trong một thời gian rất dài", ông nói.
“Tôi rất đồng tình với quan điểm rằng sự tự mãn này là nguy hiểm", Misra nói.
Bên cạnh những lo ngại về bong bóng tài sản và sự gia tăng của giá cả, việc lãi suất cực thấp kéo dài trong nhiều năm cũng có thể dẫn đến những lựa chọn “không khôn ngoan”.
"Cuối cùng, khi chi phí vốn giảm mạnh như hiện tại, đó là tiền đề cho các quyết định đầu tư thiếu khôn ngoan, cho dù là đầu tư vào tài sản cố định hay rót vốn vào các thị trường khác", ông nói.
Misra thừa nhận rằng lãi suất thấp là “cần thiết” và là “cứu cánh duy nhất” cho nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe, nhưng ông cho rằng các giải pháp tiền tệ và tài khóa sẽ cần được hiệu chỉnh lại vào một thời điểm nào đó.
Câu hỏi quan trọng là khi nào các chính phủ nên nghĩ đến việc rút tiền ra khỏi hệ thống và phân phối lại hoặc đầu tư vào tài sản thực. Những dịch chuyển như vậy có thể dẫn đến “tăng đầu tư vào sản xuất và tạo ra việc làm, thu nhập”, ông nói.