Hàng nông sản vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11 năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt khoảng 3,72 tỷ USD. Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... là những mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch trên 2 tỷ USD trong năm 2020.
Trong bối cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19, một số mặt hàng vẫn đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: gạo, rau, sắn, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, quế, mây tre. Cụ thể, giá trị xuất khẩu gạo đạt trên 2,8 tỷ USD (tăng 10,4%); rau đạt 621 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 874 triệu USD (tăng 2,3%), xuất khẩu tôm thu về gần 3,4 tỷ USD (tăng 9,7%); quế đạt 222 triệu USD (tăng 37,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 10,9 tỷ USD (tăng 14,1%); mây, tre, cói thảm đạt 545 triệu USD (tăng 26,1%).
Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản tăng, song theo các chuyên gia, do tác động từ các yếu tố bất lợi như dịch bệnh Covid-19, thiên tai làm cho hàng hóa xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu không đạt như kỳ vọng.
Cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp |
Quả vậy năm 2020, là năm khó khăn của nhiều ngành kinh tế. Đặc biệt ngành nông nghiệp chịu tác động “kép” khi vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, vừa chịu tổn thất do ảnh hưởng thiên tai nắng hạn, thiếu nước tưới trong những tháng đầu năm 2020 và thiệt hại bởi bão lụt, sạt lở đất trong những tháng cuối năm.
Những yếu tố trên tác động tiêu cực đến hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành nông nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản theo đó bị ảnh hưởng và sụt giảm cục bộ ở một số địa phương. Nhiều địa phương có thế mạnh về hàng nông sản xuất khẩu bị tác động rõ rệt. Đơn cử, theo Sở Công thương tỉnh Đăk Nông, tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương này trong năm 2020 ước đạt 1.000 triệu USD, giảm 10,4% so với năm trước và đạt 85,4% so với kế hoạch. Trong đó, có một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương như: tiêu đen ước đạt 6 triệu USD; điều nhân 420 triệu USD; cà phê 225 triệu USD; đậu phộng sấy, đậu nành sấy 1 triệu USD; ván MDF 8 triệu USD; sản phẩm alumin 230 triệu USD, các sản phẩm khác ước đạt 110 triệu USD.
Theo đánh giá của ngành Công thương tỉnh Đăk Nông, những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn vẫn được duy trì ổn định do DN thực hiện theo các đơn hàng cũ. Song hiện nay, do giá của một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương giảm, cộng với những đơn hàng cũ đã hết nên DN đang phải tìm đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, thị trường các nước nhập khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 nên tác động không nhỏ đến hoạt động xuất, nhập khẩu của các DN. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Đăk Nông không cao như dự kiến... Cùng đó, do tác động của yếu tố giá và biến đổi khí hậu làm cho một số loại cây trồng công nghiệp bị ảnh hưởng về năng suất. Như đối với cây hồ tiêu là một điển hình. Theo thống kê của UBND huyện Đăk Song (Đăk Nông) trong năm 2020, sản lượng hồ tiêu trên địa bàn chỉ thực hiện được 27.111 tấn, chỉ đạt 89,3% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra 30.374 tấn).
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nguyên nhân chính là do giá hồ tiêu giảm sâu nên người trồng hồ tiêu ít đầu tư chăm sóc khiến năng suất và sản lượng giảm. Cùng với đó, trong vụ mùa vừa qua, do tác động bởi biến đổi khí hậu, nhiều diện tích hồ tiêu bị bệnh chết nhanh chết chậm. Trong khi ở nhiều diện tích khác vào thời điểm hồ tiêu ra hoa thời tiết lại không được thuận lợi (mưa nhiều) nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng.
Để khắc phục những hạn chế và khôi phục giá trị các sản phẩm hàng hóa nông sản không còn cách nào khác đó là nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị. Bởi theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh hợp tác xã (HTX) tỉnh Đăk Nông, điều cốt lõi nhất trong sản xuất theo chuỗi giá trị là nâng cao giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX, nông hộ. Đây cũng là sức hấp dẫn các đơn vị hướng tới phát triển. Ví dụ, thời gian qua, giá hồ tiêu sản xuất thông thường xuống thấp, nhưng những HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ vẫn bán sản phẩm giá cao gấp đôi và xuất khẩu sang các nước. Các HTX sản xuất cà phê sạch cũng thu mua sản phẩm và xuất bán cao hơn giá sản phẩm thông thường.
Ngoài ra, các HTX còn chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị kinh tế. Vì thế, nông dân, các thành viên khác nhìn thấy rõ điều này và thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Muốn sản xuất nông nghiệp bền vững chỉ có sản xuất theo chuỗi giá trị. Sản xuất phải tập trung theo quy mô liên vùng để tạo ra chuỗi giá trị. Sản xuất phải gắn với áp dụng khoa học công nghệ thì năng suất, chất lượng sản phẩm mới cao. Các hộ nông dân, HTX cũng cần chú trọng liên kết với nhau và liên kết với DN có tiềm lực thì mới có thị trường trong nước và xuất khẩu tốt hơn.