Hiện thực hóa trung tâm logistics để hội nhập quốc tế
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, GS Đặng Đình Đào, Viện Thương mại kinh tế quốc tế Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, sự “mất cân xứng” giữa sản xuất và logistics diễn ra ngay từ khâu hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển ở hầu như các địa phương, các ngành và nền kinh tế quốc dân đã làm nảy sinh nhiều bất cập trong phát triển bền vững.
Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng vị chuyên gia cho rằng nó xuất phát trước hết từ nhận thức về vai trò, vị trí của logistics nói chung và quản lý nhà nước logistics nói riêng trong nền kinh tế chưa đầy đủ. Hiện nay chúng ta vẫn coi logistics chỉ là vận tải hay dịch vụ giao nhận đơn thuần mà chưa hình dung ra đó là lĩnh vực có tính liên ngành, là sự giao thoa của các ngành giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, hải quan, công nghệ thông tin…
Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới |
Việt Nam có gần 400 khu công nghiệp nhưng chưa có trung tâm logistics nào đúng nghĩa, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mang tính đơn lẻ theo từng phương tiện, thiếu kết nối liên hoàn.
Tại các khu công nghiệp, một phần trong đó đều được cho thuê làm cảng cạn, và người thuê chính là các doanh nghiệp nước ngoài. Từ đây, hàng hóa được chuyển thẳng xuống các cảng lớn rồi xuất khẩu ra nước ngoài. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia có thế mạnh về hợp đồng chuyên chở với các hãng tàu lớn do hợp đồng được ký từ công ty mẹ có mạng lưới toàn cầu, mức độ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin mạnh, quản lý tiên tiến.
GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh giá trị mà logistics mang lại là làm gia tăng giá trị của hàng hóa dịch vụ cho cả giới sản xuất lẫn giới tiêu dùng, tối ưu hóa chi phí, tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển các ngành, nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế quốc dân.
Nếu logistics nông sản không quá kém như hiện nay thì sẽ không có hiện tượng nhiều loại sản phẩm nông nghiệp được mùa lại phải bỏ mặc ngoài đồng, thị trường gần 100 triệu dân với rất nhiều phân khúc còn bị bỏ ngỏ, sức cạnh tranh của sản phẩm bị ảnh hưởng.
Hiện nay khâu logistics cho sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa ở Việt Nam lại chưa được quan tâm đúng mức. Việc xây dựng hạ tầng kết nối (hạ tầng logistics) với các phương thức vận tải để nâng cao hiệu quả trong khai thác các hành lang kinh tế, các công trình và phát triển logistics cũng chưa được quan tâm.
Hệ lụy là chi phí cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội trong tiêu thụ sản phẩm, suất đầu tư cao, hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư thấp như ở các công trình cảng biển, hệ thống phân phối, chợ đầu mối, công trình giao thông-đường sắt, đường HCM và các cơ sở hạ tầng khác …
Nếu có các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế sẽ xóa bỏ được các điểm dừng nghỉ tự phát, giảm được tai nạn giao thông, tránh được hiện tượng xe dừng nghỉ ngay bên lề đường quốc lộ, trên cao tốc hoặc người dân tự phá rào ban đêm để phục vụ xe khách, xe tải… Bên cạnh đó, tiết kiệm được rất lớn chi phí ngân sách đầu tư cho đền bù mỗi lần mở rộng hay cải tạo các tuyến quốc lộ…
Tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, việc xây dựng hàng loạt khu chung cư, khu đô thị đang phát triển mạnh thời gian qua nhưng lại không hề tính đến một cách tổng thể khâu hậu cần logistics về hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước, hệ thống trường học và cả khu vui chơi giải trí cho cư dân…
Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập trong phát triển bền vững, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ngập nước… ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, thành phố hiện nay.
Theo vị giáo sư này, để nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, có thể đạt kết quả, hiệu quả cao hơn đã đến lúc cần phải chú ý, quan tâm nhiều hơn đến môi trường logistics bao gồm cả các yếu tố thể chế pháp luật, cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống các doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao và hệ thống các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics…
“Rất nhiều vấn đề quan trọng của logistics là điều kiện, tiền đề cho phát triển bền vững như hạ tầng kết nối, hạ tầng logistics, KCN logistic, trung tâm logistics, bất động sản logistics hầu như vắng bóng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội”- GS Đào nói thêm.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy logistics luôn giữ vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế. Các hoạt động logistics đem lại hiệu quả cao và đặc biệt được coi trọng nhờ áp dụng lâu dài các biện pháp duy trì tính hiệu quả và sự cạnh tranh lành mạnh cho lĩnh vực logistics.
Ông thừa nhận, bởi doanh nghiệp logistics Việt Nam nhỏ đến nhỏ li ti nên tiếp cận vốn khó khăn, đầu tư cho lĩnh vực logistics cũng hạn chế, bởi đã làm logistics phải có cơ sở vật chất.
Để giải quyết vấn đề này, GS Đào cho rằng Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các phương tiện vận tải, kho tàng, bến bãi, chế biến... hiện đại để nâng tầm lên. Nhà nước phải đứng ra làm vốn mồi xây dựng các trung tâm logistics, giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp nước ngoài.
Vị chuyên gia tái khẳng định, doanh nghiệp trong nước - với sự hỗ trợ của Nhà nước, phải đứng ra đầu tư trung tâm logistics, doanh nghiệp ngoại chỉ vào thuê đất, doanh nghiệp chuyên về kho thì được cho thuê đất để làm kho, doanh nghiệp chuyên về vận tải thì đầu tư vào vận tải, doanh nghiệp chuyên về đông lạnh thì đầu tư vào đông lạnh... đồng thời đảm bảo tính kết nối các loại phương tiện vận tải.
Phải tạo điều kiện để doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư tại các khu công nghiệp, bất động sản công nghiệp. Chỉ khi có đầu tư, Việt Nam mới có cơ hội phát triển doanh nghiệp trong nước, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước và địa phương.