Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico - Canada vừa có hiệu lực, rạn nứt đã gia tăng
Cơ hội “vàng ròng” từ EVFTA | |
FTA EU-Singapore và lợi ích cho thương mại Việt Nam |
Ảnh minh họa |
USMCA bao gồm các quy tắc, nội dung chặt chẽ hơn so với NAFTA, đặc biệt đối với ngành ô tô, cùng với đó là các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ mới, cấm thao túng tiền tệ và các quy tắc mới về thương mại kỹ thuật số vốn không có trong NAFTA trước đây.
Đại dịch Covid-19 đã khiến cả ba quốc gia này rơi vào suy thoái kinh tế. Dòng chảy giao dịch hàng hóa giữa 3 nền kinh tế này - thường đạt khoảng 1,2 nghìn tỷ USD mỗi năm – đã giảm xuống mức thấp nhất hàng tháng trong một thập kỷ vào tháng 4 vừa qua. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù USMCA bắt đầu có hiệu lực nhưng nguy cơ tranh chấp giữa ba đối tác thương mại này thì lại đang gia tăng.
“Rượu sâm banh mừng USMCA đã không cuồng nhiệt như chúng ta mong đợi. Các vấn đề đang xuất hiện từ mọi phía và đây có thể là một thỏa thuận thương mại nhanh chóng kết thúc trong tranh chấp với các rào cản thương mại gia tăng”, Mary Lovely, giáo sư kinh tế của Đại học Syracuse, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, nhận định.
Với mục tiêu tạo ra một “pháo đài” thương mại tại Bắc Mỹ, thúc đẩy tính cạnh tranh của khu vực nhưng các vết nứt đã bắt đầu xuất hiện ngay trước thềm USMCA có hiệu lực. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đe dọa về khả năng tái áp dụng thuế đối với nhôm của Canada – vốn đã được dỡ bỏ cách đây hơn 1 năm. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính của Thượng viện Mỹ hồi đầu tháng 6, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết sự gia tăng hoạt động xuất khẩu thép và nhôm trong thời gian gần đây, nhất là từ Canada, đã đi ngược với thỏa thuận dỡ bỏ thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu mà Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được vào tháng 5/2019. Một số hãng tin cho biết, Mỹ có thể sẽ đưa ra thông báo về việc tái áp thuế này trong một vài tuần tới.
Trong khi đó, USMCA cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý đối với Luật Lao động mới của Mexico khi yêu cầu phải đảm bảo người lao động “có thể tự do tập hợp và các công đoàn phải được trao quyền thương lượng tập thể đầy đủ”. Việc phán quyết chống lại điều này sẽ làm tổn hại tới khả năng của chính phủ Mexico trong việc đưa ra các điều khoản có thể chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có sự đồng ý của người lao động – mà điều này sẽ có lợi cho các công ty và giúp giữ mức lương thấp ở Mexico. Cần lưu ý vấn đề này được quan tâm đặc biệt ở Mỹ bởi trước khi phê duyệt USMCA, các nghị viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Hoa Kỳ đã nhấn rất mạnh vào việc phải hoàn thiện các điều khoản lao động trong USMCA theo hướng thắt chặt hơn. Vụ việc bắt giữ bà Susana Prieto, luật sư về lao động tại Mexico vào đầu tháng 6 vừa qua đã thúc đẩy các lập luận của phía công đoàn Hoa Kỳ rằng, quyền của người lao động Mexico đang không được bảo vệ đầy đủ.y