Hiệu quả vốn ODA: Nhìn lại và hướng tới
Nhận diện bất cập để tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân ODA Đột phá trong phân cấp và thúc đẩy giải ngân ODA |
Giải ngân vẫn “ì ạch”
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng số vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết còn hơn 2 nghìn tỷ đồng (trên tổng số 20.000 tỷ đồng đã được phê duyệt). Việc phân bổ vốn chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng chủ yếu do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, vướng mắc trong việc thẩm định giá thiết bị và cơ chế đấu thầu chưa hiệu quả.
Về giải ngân, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, từ đầu năm đến 30/9/2024, cũng mới được hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, chỉ đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng này cũng khá tương đồng với cùng kỳ năm 2023 (cũng chỉ đạt 28,37%)… Những số liệu như vậy cho thấy do nhiều nguyên nhân khác nhau, các vấn đề liên quan đến vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, đặc biệt trong giải ngân, vẫn tồn tại suốt thời gian dài mà chưa khắc phục được.
Có nhiều yếu tố khiến tiến độ, phân bổ và giải ngân vốn ODA chưa đạt kỳ vọng. Trong đó, có thể khẳng định vấn đề thủ tục phức tạp và mất thời gian nằm trong nhóm nguyên nhân hàng đầu. Ví dụ, các thủ tục phê duyệt thay đổi hợp đồng, giải ngân vốn ODA thường không đồng bộ, khiến các dự án gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Hay quy trình đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu tư vấn theo yêu cầu của một số nhà tài trợ cũng kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu xây lắp khác.
Bên cạnh đó, sự khác biệt, không đồng nhất giữa các quy định pháp lý của Việt Nam và các yêu cầu kỹ thuật của nhà tài trợ cũng dẫn đến khó khăn trong việc thống nhất và triển khai dự án. Sự khác biệt giữa quy định của Việt Nam và các mẫu hợp đồng quốc tế như FIDIC (hợp đồng do Hiệp hội các Kỹ sư tư vấn quốc tế phát hành, đã được nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế sử dụng) làm phát sinh nhiều thủ tục bổ sung, ảnh hưởng tới tiến độ thanh toán và hoàn thành dự án.
Công tác chuẩn bị và bàn giao mặt bằng không kịp thời cũng làm ảnh hưởng tới quá trình triển khai thi công; hạn chế về năng lực quản lý của các chủ dự án… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng triển khai các dự án hiệu quả, đúng tiến độ. Một số nhà tài trợ can thiệp khá sâu vào quá trình triển khai dự án thông qua việc góp ý và yêu cầu điều chỉnh nhiều khâu kỹ thuật, làm phát sinh thêm thủ tục và kéo dài tiến độ dự án.
Dự án tuyến Metro số 1 tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu chạy thử |
Tại cuộc họp báo giữa kỳ ngày 17/10, ông Sugano Yuichi cho biết, trong năm tài khóa của Nhật Bản (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024), JICA đã ký kết các khoản vay với tổng giá trị lên đến 102,2 tỷ yên (khoảng 678 triệu USD), đây là con số cao nhất kể từ năm 2017. Đồng thời, các dự án hợp tác kỹ thuật của JICA tại Việt Nam đã đạt quy mô 5,2 tỷ yên (khoảng 35 triệu USD), lớn nhất trên thế giới trong cùng năm tài khóa. Ngoài ra, viện trợ không hoàn lại của JICA cho Việt Nam đạt 1,1 tỷ yên (7,5 triệu USD) vốn cam kết. |
Kỳ vọng nhiều từ Luật Đầu tư công (sửa đổi)
Trong quy mô đầu tư hiện nay, nguồn vốn ODA chiếm cấu phần không lớn, tuy nhiên các dự án đều tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu cho cộng đồng tại các địa phương. Vì vậy, nếu việc triển khai hiệu quả hơn sẽ tạo ra các lan tỏa tích cực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, giải quyết những vướng mắc, tồn tại liên quan lâu nay sẽ cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan để tham mưu, đàm phán và phê chuẩn các hiệp định vay vốn là rất quan trọng. Cùng với đó, cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án, lập kế hoạch vốn sát với thực tế và năng lực của các chủ đầu tư, triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng… sẽ giúp các dự án triển khai đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh dự án, hoàn thiện quy định về dự án viện trợ không hoàn lại, đẩy mạnh sự phối hợp với các nhà tài trợ để kịp thời giải quyết các vướng mắc, đưa ra các quy định và hướng dẫn cụ thể nhằm tối đa hóa sự hài hòa giữa các quy định của Việt Nam và nhà tài trợ, điều chỉnh quy định pháp luật để tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế như mẫu hợp đồng FIDIC… cũng là những vấn đề rất cần quan tâm.
Điểm đáng mừng là tại dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội tới đây, rất nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đơn cử, dự thảo đề xuất cho phép kế hoạch vốn nước ngoài do ngân sách trung ương cấp phát được giải ngân độc lập, không phụ thuộc vào kế hoạch hay dự toán ngân sách của các nguồn vốn khác. Điều này nhằm tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn nước ngoài, đặc biệt là vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế. Đây là điểm mới so với luật hiện hành, khi không có quy định cụ thể cho việc giải ngân độc lập này.
Hay về phân cấp thẩm quyền, dự thảo đề xuất phân cấp thẩm quyền và đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, và quyết định đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ODA, tương tự như đối với các dự án sử dụng vốn trong nước. Điều này giúp các địa phương và các đơn vị chủ đầu tư có thể chủ động hơn trong quá trình triển khai các dự án, giảm thiểu thủ tục hành chính và tăng tính minh bạch.
Đánh giá về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho rằng, các sửa đổi theo chiều hướng khá tích cực.
“Trước đây, một số quy định trong các luật của Việt Nam chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ với các quy định của các nhà tài trợ, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các thủ tục cần thiết, cũng như gây chậm trễ trong quá trình triển khai. Do đó, chúng tôi kỳ vọng và cũng nhận thấy rằng trong lần sửa đổi này, những vướng mắc liên quan đến sự không thống nhất giữa các quy định nội luật của Việt Nam và các quy định của các nhà tài trợ sẽ được giải quyết”, ông Sugano Yuichi nói và cho biết: “Chúng tôi nhìn nhận các sửa đổi này khá tích cực, hướng đến việc tạo thuận lợi hơn cho các dự án ODA cũng như các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Chúng tôi cũng đang theo dõi sát tiến trình và nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công”.