Nhận diện bất cập để tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân ODA
Giải ngân ODA: Làm việc nửa vời là không ổn Giải ngân ODA chậm theo lý giải của Bộ Tài chính |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bà đánh giá thế nào về con số này và các vướng mắc, bất cập chính là gì?
Tôi cho rằng khả năng hấp thu vốn vay hiện nay đã tích cực hơn so với những năm trước đây - giai đoạn Chính phủ, Quốc hội thắt chặt trần nợ công. Tuy nhiên, tình hình giải ngân hiện nay cũng chưa đạt được như mong đợi. Theo đánh giá của chúng tôi, có một số vướng mắc, bất cập chính làm chậm tiến độ giải ngân như: Công tác lập và chuẩn bị dự án còn hạn chế dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện dự án; Chậm bàn giao mặt bằng; Chậm trong công tác đấu thầu; Các thủ tục điều chỉnh dự án như điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh/gia hạn thỏa thuận vay… thường mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, còn có sự khác biệt giữa quy định pháp luật của Việt Nam với mẫu hợp đồng FIDIC (hợp đồng do Hiệp hội các Kỹ sư tư vấn quốc tế phát hành đã được nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế sử dụng) như lệnh thay đổi hợp đồng (VO), điều chỉnh giá, thủ tục thanh quyết toán... Ngoài ra, một số quy định pháp luật và hướng dẫn về dự án viện trợ không hoàn lại còn chưa rõ như phân loại chi thường xuyên và chi đầu tư trong Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định về ODA và vốn vay ưu đãi còn chưa rõ ràng, quy trình phát hành ủy quyền thanh toán (A/P) mất nhiều thời gian.
Như vậy theo bà, cần làm gì và cách thức nào để giải quyết các vướng mắc, bất cập này?
Để đẩy mạnh giải ngân, chúng tôi kiến nghị cần cải thiện chất lượng công tác chuẩn bị dự án để đảm bảo dự án triển khai theo đúng kế hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt; Lập kế hoạch vốn sát với thực tế và năng lực thực hiện của các dự án/chủ đầu tư và đảm bảo tiến độ triển khai theo kế hoạch; Khẩn trương hoàn thành thu hồi giải phóng mặt bằng để kịp thời bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu, tránh gián đoạn trong quá trình thi công. Cùng với đó, cần sớm có những điều chỉnh quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý hợp đồng để tiệm cận hơn với hợp đồng FIDIC, ví dụ liên quan đến thủ tục phê duyệt VO, cho phép thanh toán tạm ứng lên tới 70-80%.
Để đơn giản hóa thủ tục điều chỉnh dự án, chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét phân cấp ủy quyền cho cấp bộ (như Bộ Tài chính) đối với một số sửa đổi kỹ thuật (không phải các thay đổi lớn) của thỏa thuận vay như điều chỉnh cơ cấu hạng mục thỏa thuận vay, gia hạn thỏa thuận vay trong phạm vi thời gian thực hiện dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, hoặc các điều chỉnh thỏa thuận vay đã được báo cáo trong quá trình điều chỉnh chủ trương đầu tư trước đó.
Ngoài ra, cần bổ sung, làm rõ các quy định về dự án viện trợ không hoàn lại trong Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định về ODA và vốn vay ưu đãi, có tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan về nội dung này.
Làm cách nào để san bằng những khác biệt giữa quy định pháp luật của Việt Nam và nhà tài trợ vốn đã tồn tại nhiều năm?
Về vấn đề này chúng tôi kiến nghị Chính phủ rút ngắn quy trình thủ tục chuẩn bị dự án. Hiện quy trình chuẩn bị dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ yêu cầu 3 bước: Đề xuất dự án, Chủ trương đầu tư và Quyết định đầu tư. Trong một số trường hợp, chỉ riêng bước Đề xuất dự án đã mất 3 năm từ khi lập đến khi được phê duyệt, như vậy giai đoạn chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư có thể mất 4-5 năm. Về phía các đối tác phát triển, cũng cần thiết xem xét rút ngắn quy trình thẩm định khoản vay, đồng thời hài hòa các thủ tục hai bên đến mức tối đa.
Chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ có hướng dẫn cụ thể để đơn giản hóa thủ tục xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Đấu thầu mới (Luật 22/2023) có hiệu lực từ 1/1/2024 để các dự án mới sớm đi vào triển khai. Trong thời gian tới, các đối tác phát triển cũng mong muốn được tham gia góp ý kiến khi Chính phủ soạn thảo các quy định pháp luật có liên quan đến triển khai dự án ODA và vốn vay ưu đãi.
Nghị quyết số 93/NQ-CP và Hội nghị của Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 vừa qua đều nhấn mạnh đến việc giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan, không để ách tắc, chậm trễ trong phê duyệt, triển khai các dự án ODA. Bà đánh giá thế nào về các chỉ đạo này?
Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của Chính phủ và hy vọng những chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung này sẽ giúp kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập hiện nay, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đạt được mục tiêu giải ngân 95% vốn đầu tư công mà Chính phủ đặt ra cho năm nay.
Chúng tôi muốn nêu một ví dụ cụ thể về quy định tại mục 2 Điều 89 Luật Đầu tư công đã và đang gây khó khăn trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn có thời gian thực hiện dự án dài qua hai kỳ trung hạn. Cụ thể, tại mục 2 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu tổ chức quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đó. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định này tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án. JICA cùng với các Đối tác phát triển khác sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ cùng xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn.
Chúng tôi hy vọng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam như hoàn thiện thể chế chính sách quy định pháp luật liên quan, kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi do Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Trưởng ban sẽ góp phần giải quyết những tồn đọng đang cản trở triển khai các dự án ODA.
Xin cảm ơn bà!