Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau thiên tai
Ảnh hưởng của cơn bão số 3 đến cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nặng nề. Mức độ thiệt hại đối với tài sản và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ước tính hàng nghìn tỷ đồng;đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Việc khôi phục lại sản xuất sau bão là một quá trình khó khăn và đòi hỏi sự hỗ trợ kịp thời từ chính phủ và các tổ chức liên quan. Tính toán sơ bộ ban đầu, ngành thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng, ngành chăn nuôi cũng khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ngành thủy sản thiệt hại nặng nề và chưa thống kê hết, do đó Cục đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi tái thiết lại nuôi trồng thuỷ sản và được các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia. Theo số liệu ban đầu, Cục đã huy động được gần 85 tỷ đồng hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại và vẫn còn tiếp tục huy động. Bão và ngập lụt không chỉ phá hủy cơ sở vật chất của doanh nghiệp mà còn gây tổn thất lớn về sản lượng. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, sự thay đổi đột ngột của điều kiện nước, như mực nước biển dâng cao hoặc ngập lụt, có thể làm hàng loạt thủy sản chết, dẫn đến mất trắng mùa vụ. Đối với nông nghiệp, các cánh đồng hoa màu bị nhấn chìm trong nước lũ, gây mất mùa nghiêm trọng.
Không chỉ về mặt sản xuất, cơ sở hạ tầng nuôi trồng như ao hồ, trang trại, chuồng trại và hệ thống tưới tiêu bị tàn phá, dẫn đến việc doanh nghiệp khó có thể trở lại sản xuất ngay. Hệ thống nhà kính, máy móc và thiết bị nông nghiệp bị hư hỏng, kéo theo việc sửa chữa, thay mới đòi hỏi chi phí lớn và cần có thời gian khôi phục.
Nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản thiệt hại nặng |
Nghiêm trọng nhất là sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tiêu thụ. Đường sá bị hư hỏng, ngập lụt kéo dài khiến việc vận chuyển hàng hóa đến các chợ đầu mối hoặc khu vực tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Với các sản phẩm dễ hỏng như thủy sản, sự chậm trễ trong quá trình vận chuyển làm tăng nguy cơ hư hỏng, khiến doanh nghiệp gặp thêm tổn thất. Ngoài ra, việc tiếp cận với nguyên liệu đầu vào như giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, phân bón và các vật tư khác bị gián đoạn khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất. Sau bão, nguồn cung cấp giống vật nuôi, thủy sản có thể bị khan hiếm, làm tăng chi phí và kéo dài thời gian sản xuất trở lại, ông Luân chia sẻ thêm.
Đặc thù của các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thường sử dụng một lượng lớn lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Tuy nhiên, sau thiên tai, nhiều lao động bị mất nhà cửa, phải tập trung lo cho gia đình và không thể quay trở lại công việc ngay lập tức. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong giai đoạn cần tăng cường nhân lực để khôi phục sản xuất.
Sự thiếu hụt lao động sau thiên tai khá là nghiêm trọng |
Việc đào tạo và tái đào tạo lao động cũng gặp khó khăn. Đối với những lao động cần kỹ năng đặc thù như vận hành máy móc, thiết bị nông nghiệp hiện đại, doanh nghiệp không chỉ phải đầu tư thời gian mà còn cần nguồn lực để đào tạo lại. Tuy nhiên, với tình hình tài chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão, việc này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Tài chính là một trong những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phải đối mặt sau thiên tai. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không có quỹ dự phòng đủ mạnh, nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn kiệt tài chính sau khi bão qua đi. Không chỉ mất mát về tài sản và cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp còn phải đối mặt với các khoản nợ cũ chưa trả, trong khi chi phí khôi phục sản xuất rất lớn, từ việc mua lại giống, thức ăn, phân bón, đến sửa chữa, xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Giá nguyên vật liệu thường tăng sau thiên tai do nguồn cung khan hiếm, khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao. Điều này tạo ra gánh nặng tài chính khổng lồ, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ không có khả năng tiếp cận dễ dàng với các nguồn vay ưu đãi hoặc hỗ trợ tài chính.
Để giúp doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sau bão, cần có các giải pháp hỗ trợ thiết thực từ chính phủ và các tổ chức liên quan. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soạn thảo một nghị định mới về các chính sách hỗ trợ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang xây dựng và đề xuất các giải pháp như hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ nhất định đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.
Cần có các giải pháp hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
Trước những khó khăn của doanh nghiệp VCCI đề xuất: Chính phủ cần triển khai các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho doanh nghiệp, bao gồm miễn giảm thuế, gia hạn nợ, và cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp. VCCI đề xuất hỗ trợ thiệt hại thực tế cho lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, đồng thời xem xét tăng mức hỗ trợ và mở rộng áp dụng cho các doanh nghiệp thủy sản; miễn tiền thuê mặt nước cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản đến hết năm 2025, và miễn các loại phí liên quan như lệ phí ra vào cảng biển, cảng bến thủy nội địa, phí sử dụng vị trí neo đậu trong khoảng 6 tháng đến 1 năm. VCCI cũng đề nghị hỗ trợ từ 50% đến 70% chi phí bảo hiểm cho tàu cá và tàu du lịch đến hết năm 2025...Điều này giúp doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính để nhanh chóng tái đầu tư và khôi phục sản xuất. Về tái thiết hạ tầng, cần đầu tư vào việc khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường sá, hệ thống tưới tiêu, và các trang thiết bị nuôi trồng là rất cần thiết. Chính phủ có thể hỗ trợ trực tiếp hoặc thông qua các quỹ hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh chóng trở lại sản xuất.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường mới giúp doanh nghiệp nông nghiệp và thủy sản duy trì hoạt động xuất khẩu và bảo vệ uy tín trên thị trường quốc tế.
Những giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.