Hỗ trợ đúng, kịp thời để tái thiết sau bão
Kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp tái thiết sau bão Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tái thiết sau bão lũ |
"Mất trắng" sau bão
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Đỗ Việt Thanh, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn TASECO cho biết, là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm xây dựng, vận hành các toà nhà ven biển, nhưng khi cơn bão quét qua với sức công phá vượt hết các quy chuẩn kiểm định chất lượng xây dựng hiện hành, gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp; mọi thứ quay về con số 0. "Đây chỉ là con số thiệt hại trước mắt, nhưng nếu thời gian hoạt động trở lại chậm, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội, dòng tiền, chi phí nhân công. Chúng tôi dự kiến phải mất từ 3 - 3,5 tháng mới đi vào hoạt động trở lại", ông Đỗ Việt Thanh thông tin.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng chia sẻ, nông nghiệp là ngành chịu thiệt hại nhiều nhất khi xảy ra thiên tai. Riêng hệ thống lồng nuôi thủy sản có hơn 14.000 lồng, ước tính thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng; trên 30.000 ha thủy sản nuôi trồng tại các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, đặc biệt các loại cá 5kg, 10kg phục vụ cho dịp lễ, Tết bị mất trắng. Không chỉ về tài sản, bão số 3 tác động rất lớn về mặt tinh thần của những người dân biển.
Là người theo dõi ngành thủy, hải sản lâu năm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng đánh giá, chưa bao giờ người dân và doanh nghiệp ngành thuỷ, hải sản phải chịu thiệt hại lớn như vậy. Các nhà máy chế biến thuỷ, hải sản - nơi tiêu thụ thuỷ, hải sản cho bà con ngư dân và xuất khẩu bị tan hoang; tình trạng mất điện kéo dài cũng làm hư hỏng toàn bộ sản phẩm phục vụ các đơn hàng sắp tới. Thiên tai gây thiệt hại về tài sản và cả cơ hội kinh doanh.
Sau cơn bão, từ doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế lớn cho đến người dân có điều kiện kinh tế khá giả còn chịu thiệt hại lớn thì những người yếu thế, người nghèo, đối tượng chính sách lại càng khó khăn hơn. Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đối tượng khách hàng của chúng tôi có đặc thù là người yếu thế, người nghèo, đối tượng chính sách. Các khoản vay nhỏ nhưng lượng khách hàng lớn nên số lượng khách hàng chịu thiệt hại cũng lớn. Theo thống kê của ngân hàng, ước tính hơn 51.000 khách hàng, với dư nợ 3.338 tỷ đồng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Cán bộ ngân hàng Vietcombank chung tay, chia sẻ, ủng hộ nhân dân Yên Bái vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra |
Dồn nguồn lực để kịp thời tái thiết
Để hỗ trợ người yếu thế, người nghèo, đối tượng chính sách vượt qua khó khăn sau bão, ông Huỳnh Văn Thuận cho biết, ngay sau khi Thủ tướng họp trực tuyến với các địa phương chịu thiệt hại do bão số 3 và đưa ra các chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã họp trên toàn hệ thống, tìm giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay vốn. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội đã rà soát thiệt hại của khách hàng vay vốn, xác định bước đầu phải xử lý, hỗ trợ khách vay chịu thiệt hại, cho vay mới, định hướng tăng trưởng dư nợ cho vay bổ sung, khôi phục, tái sản xuất. Về xử lý thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, nếu mức độ thiệt hại trên 40%, khách hàng được gia hạn nợ với các khoản nợ đến hạn trong tháng 9, gia hạn tối đa thêm 12 tháng; tạm ngừng thu lãi đến 31/12/2024 với khách hàng thiệt hại do bão.
Không chỉ riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn ngành Ngân hàng cũng đang cùng nhau hợp lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp "tái thiết" sau bão. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, NHNN đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các TCTD tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu lại nợ; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh; xử lý rủi ro với dư nợ hiện hữu. Chỉ cách đây ít ngày, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 04 nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
NHNN đã có văn bản chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng, yêu cầu các TCTD tại những tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả. Các ngân hàng bằng chính nguồn lực của mình, cơ cấu lại nợ; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu, giúp khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh; xử lý rủi ro với dư nợ hiện hữu. |
Dù đã vào cuộc rất quyết liệt, song chính sách cũng có những độ trễ nhất định, ông Trần Đình Luân đánh giá, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp quyết liệt. Chúng tôi mong chính sách, phương án hỗ trợ càng nhanh càng tốt, sớm khoanh nợ, giãn nợ cho bà con để họ có cơ hội phục hồi sản xuất. Quan trọng nhất thời điểm này là việc tổ chức thực thi để đảm bảo chính sách có hiệu quả ngay.
Trước một số kiến nghị về rút ngắn thời gian, quy trình hỗ trợ sau bão cho người dân, doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão, bà Hà Thu Giang khẳng định, việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước về hồ sơ, thủ tục. Khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của ngân hàng. Khách hàng bị ảnh hưởng thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, cụ thể là nợ xấu gia tăng. Do đó, nhanh, kịp thời, tận dụng cơ hội để giúp đỡ người dân là định hướng của toàn bộ hệ thống của ngành Ngân hàng. Hiện NHNN đang xây dựng thông tư về cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Ngành Ngân hàng có chính sách hỗ trợ nhưng cũng cần có sự đồng bộ với chính sách hỗ trợ của địa phương.
Là một trong những địa phương chịu thiệt hại lớn nhất của bão Yagi, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chủ tịch UBND TP. Hạ Long, Quảng Ninh cho biết, địa phương đang tập trung nguồn lực, đồng bộ nhóm giải pháp và dành nguồn lực 474 tỷ đồng để thực hiện giải pháp ngắn hạn. Năm 2025 tập trung giải pháp tái thiết thành phố, triển khai công trình trọng điểm. Dự kiến năm 2025, TP. Hạ Long sẽ đề xuất xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá và tránh trú bão khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ngân sách thành phố, Hạ Long cũng mong có nguồn kinh phí từ Trung ương xây dựng công trình căn cơ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các chính sách cần có sự phối hợp giữa địa phương 26 tỉnh thành để hỗ trợ vùng đúng, trúng, khôi phục được đời sống cho bà con, sản xuất, và đơn hàng xuất khẩu. Ngoài giải pháp miễn, giảm, hoãn trả nợ, cần có gói hỗ trợ chuyên biệt cho phòng chống thiên tai để phát triển bền vững hơn.