Tăng vốn để “nâng hạng” sức khoẻ cho các nhà băng
Ông nhận định ra sao đối với việc đẩy mạnh tăng vốn của các ngân hàng trong thời gian qua?
Việc tăng vốn của các ngân hàng là một điều tất yếu. Bởi khi quy mô hoạt động, tín dụng càng lớn thì việc gia tăng sức mạnh tài chính để đảm bảo an toàn hoạt động là cần thiết.
Thời gian qua, làn sóng tăng vốn diễn ra ở nhiều nhà băng, cả khối NHTM nhà nước lẫn khối NHTM cổ phần thông qua nhiều phương thức khác nhau. Đầu tiên là phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu thay vì phát hành ra công chúng, đây là cách tối ưu được nhiều ngân hàng sử dụng để tăng vốn. Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) hay tăng vốn bằng phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, chào bán thêm cổ phiếu…
Những năm gần đây, ESOP là một trong những hình thức khen thưởng phổ biến. Thông qua đợt phát hành cổ phiếu ESOP, nhân viên đủ tiêu chuẩn sẽ được thưởng hoặc mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi, qua đó khuyến khích người lao động làm việc chăm chỉ, hiệu quả hơn để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông.
Việc tăng vốn sẽ có tác động như thế nào tới hoạt động của các nhà băng, thưa ông?
Tăng vốn chính là gia tăng “sức khoẻ” để ngân hàng có thể ứng phó với những rủi ro xảy ra. Nợ xấu của ngành Ngân hàng vẫn luôn là một mối lo, nhất là trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định như hiện nay, nếu có một bộ đệm vốn tốt, ngân hàng sẽ vững vàng trước thách thức. Bên cạnh đó cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, tiếp tục hỗ trợ vốn cho nền kinh tế. Mặt khác, tuy hệ số CAR tại các ngân hàng Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế và các nước trong khu vực.
Vừa qua, NHNN đã công bố dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD). Theo đó, Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% (theo quy định hiện hành CAR tối thiểu là 8%). Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp NHTM không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt. Chính vì vậy, việc tăng vốn cũng sẽ giúp các NHTM cải thiện hệ số CAR, đảm bảo tuân theo quy định. Ngoài ra, tăng vốn cũng giúp ngân hàng đáp ứng kế hoạch tái cấu trúc, hướng tới các tiêu chuẩn quản trị quốc tế như Basel II, Basel III.
Ông có lưu ý gì thêm đối với các ngân hàng khi thực hiện kế hoạch tăng vốn?
Sự cần thiết và lợi ích của việc tăng vốn là điều có thể nhìn thấy rõ nhưng tăng vốn không hẳn là toàn màu hồng. Nếu ngân hàng tăng vốn quá mạnh thông qua phát hành cổ phiếu sẽ “pha loãng”. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quản trị ngân hàng. Khi cổ đông hiện hữu sở hữu ít cổ phiếu hơn, quyền kiểm soát và ảnh hưởng của họ đối với các quyết định quản trị ngân hàng cũng sẽ giảm theo. Điều này có thể dẫn đến việc thay đổi cơ cấu quản lý và ảnh hưởng đến cách thức quản trị của ngân hàng, vì những cổ đông mới có thể có những lợi ích hoặc mục tiêu khác biệt so với cổ đông cũ. Ngoài ra, không phải ngân hàng nào cũng thành công trong kế hoạch tăng vốn.
Nhờ có thương hiệu tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng, nhiều nhà băng tăng vốn dễ dàng qua việc phát hành thêm, thu hút nhà đầu tư chiến lược rất thuận lợi. Nhưng cũng có nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính trung bình sẽ gặp khó khăn hơn với phương án tăng vốn, nhất là cơ hội hút vốn ngoại… Vì vậy, khi đặt mục tiêu tăng vốn, các nhà băng phải xác định rõ chiến lược tăng vốn, hướng tới mục đích ưu tiên nào, chứ không nên tăng vốn bằng mọi giá. Ngân hàng cần xác định ngoài huy động vốn, điều quan trọng là tìm được đối tác chiến lược, có thể hỗ trợ cả về mặt quản trị, công nghệ. Từ đó sẽ hỗ trợ ngân hàng nâng cao “sức khoẻ” một cách toàn diện.
Xin cảm ơn ông!