Hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân
Năm 1997, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã nổ ra và ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế khác nhau. Đối với Việt Nam, ngành Ngân hàng còn non trẻ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: hoạt động tín dụng đứng trước thách thức lớn, tình hình lạm phát cao có chiều hướng trở lại, nợ xấu tăng. Đặc biệt, hệ thống QTDND vừa chịu áp lực từ suy thoái kinh tế, vừa gặp những khó khăn nội tại về quản lý, quản trị rủi ro, hệ thống QTDND bị rung chuyển, nhiều quỹ có nguy cơ bị mất khả năng chi trả. Nhu cầu cần phải thành lập tổ chức BHTG xuất phát chính từ thực tế đó.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền |
Sau một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, có tham khảo các mô hình về BHTG trên thế giới, ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập BHTGVN. Ngay khi vừa thành lập, vừa xây dựng các cơ chế, quy chế nội bộ của tổ chức, BHTGVN ngay lập tức tham gia nghiên cứu các TCTD gặp vấn đề, đặc biệt là những QTDND có nguy cơ đổ vỡ để chuẩn bị phương án giải cứu hoặc xử lý, các tổ chức này. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, BHTGVN đã chi trả cho người gửi tiền tại hàng loạt QTDND tại Kiên Giang, và năm tiếp theo là tại Hải Dương. Việc người gửi tiền nhanh chóng được nhận tiền bảo hiểm đã là một “liều thuốc tinh thần”, qua đó có thêm niềm tin vào hệ thống ngân hàng nước nhà.
Không chỉ có nghiệp vụ chi trả khi TCTD bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN còn được trao hàng loạt chức năng, nhiệm vụ như: cấp và thu hồi chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, kiểm tra, giám sát cũng như hỗ trợ cho các tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN luôn đồng hành cùng tổ chức tham gia BHTG từ khi thành lập, theo sát quá trình hoạt động thông qua nghiệp vụ kiểm tra, giám sát. Khi TCTD gặp khó khăn, BHTGVN tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt cũng như hỗ trợ cho quá trình phục hồi, giúp tổ chức gặp vấn đề sớm khắc phục để trở lại hoạt động bình thường. Chỉ khi TCTD không thể phục hồi theo các phương án đã được phê duyệt, buộc phải thực hiện phương án phá sản, BHTGVN đứng ra chi trả cho người gửi tiền nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ, ít có thông tin về hoạt động ngân hàng.
Các TCTD quy mô vừa và nhỏ, trong đó có QTDND là những cấu phần quan trọng của hệ thống ngân hàng. Đối với các QTDND, trước hết, chính sách BHTG là nguồn hỗ trợ để các tổ chức này phát triển bền vững, an toàn. Bên cạnh đó, chính sách BHTG tạo nên niềm tin của người gửi tiền đối với các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ này, giúp họ có thể tận dụng lợi thế am hiểu về địa bàn, gần gũi với người gửi tiền để cạnh tranh một cách sòng phẳng, lành mạnh với các ngân hàng, TCTD lớn. Cuối cùng, năng lực của các tổ chức BHTG là phù hợp cho việc hỗ trợ và xử lý các tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ, bởi để xử lý các TCTD quy mô lớn, TCTD xuyên quốc gia đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù.
Có thể nói, ngay từ khi thành lập tới nay, hoạt động của BHTGVN đã luôn gắn bó với hệ thống các QTDND, đồng hành với các QTDND cũng là hành trình gìn giữ niềm tin của một bộ phận không nhỏ người gửi tiền tại các khu vực nông thôn.
Luật Các TCTD sửa đổi (2017) cũng như Đề án 1058 “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã trao thêm cho BHTGVN những chức năng, hiệm vụ mới, chủ yếu tập trung vào mục tiêu hỗ trợ TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể phục hồi, trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng trực tiếp tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu QTDND như: tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đối với QTDND, tham gia ý kiến đối với phương án phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt. Như vậy, BHTGVN đã có thêm công cụ để góp phần bảo vệ người gửi tiền, giữ an toàn hệ thống các TCTD nói chung và hệ thống QTDND nói riêng.
Sau ba năm thực hiện, Đề án 1058 “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, toàn hệ thống TCTD đã chuyển biến rất tích cực, có bước tiến lớn cả về quy mô tài chính, chất lượng tín dụng và chấn chỉnh, củng cố các mặt hoạt động.
Tới nay, an toàn hệ thống đang ngày một tốt hơn, nhiều chỉ tiêu quan trọng được cải thiện rõ rệt như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và xử lý sở hữu chéo, đầu tư chéo được tích cực triển khai. Gần như toàn bộ hệ thống các TCTD được chấn chỉnh, củng cố. Các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Các TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức tài chính vi mô được cơ cấu lại, hoạt động lành mạnh, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Những kết quả trên là nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam. Là một công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ người gửi tiền, BHTGVN cũng đã tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các TCTD, trong đó có tái cơ cấu các QTDND – một mục tiêu phù hợp với năng lực tài chính của BHTGVN hiện nay.
Đề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định 209/QĐ-NHNN ngày 31/1/2019 của Thống đốc NHNN cũng nêu về giải pháp nâng cao vai trò của BHTGVN. Theo đó, tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các TCTD được sửa đổi, bổ sung. BHTGVN là đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là thành viên của QTDND. Đồng thời, BHTGVN nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Luật BHTGVN và các quy định có liên quan trong việc phát huy vai trò và sử dụng nguồn lực của BHTGVN để hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND.
Ông Vũ Văn Long – Phó tổng giám đốc BHTGVN cho biết, những nhiệm vụ của BHTGVN trong quá trình tái cơ cấu các TCTD có đặc điểm chung là nhằm giúp tối thiểu hóa chi phí của tổ chức BHTG, đồng thời cũng là tối thiểu hóa thiệt hại đối với xã hội và nền kinh tế nói chung. Khi không còn giải pháp nào khác, buộc phải để cho TCTD phá sản thì thiệt hại trước hết là những cổ đông và người gửi tiền tại TCTD đó, đồng thời BHTGVN cũng phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng nghiệp vụ của mình để chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm. Cùng với đó, dòng vốn bị gián đoạn, phát triển kinh tế tại địa phương bị ảnh hưởng, thậm chí nếu đổ vỡ TCTD quy mô lớn, hệ thống phức tạp thì có thể ảnh hưởng tới kinh tế quốc gia. Phương án hỗ trợ phục hồi cho TCTD là phương án tốt nhất cho tất cả các bên, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn hệ thống tín dụng cũng như tiết kiệm chi phí xã hội mà Chính phủ cũng không phải dùng ngân sách để trực tiếp giải cứu.
Tính đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn tích lũy của cơ quan này đã đạt khoảng 67 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ Dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 62 nghìn tỷ đồng. Theo ông Vũ Văn Long, so với quy mô toàn hệ thống ngân hàng, nguồn vốn của BHTGVN chưa phải là một số tiền lớn và tổ chức BHTG cũng không được thiết kế để xử lý những vấn đề mang tính khủng hoảng hệ thống. Tuy nhiên, nếu sử dụng số tiền này để hỗ trợ, giúp đỡ các TCTD, trong đó có các QTDND gặp vấn đề phục hồi hoạt động thì lại rất hiệu quả.
BHTGVN cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc đảm bảo sự an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD, hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt là hệ thống QTDND, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.