Hệ thống QTDND tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh củng cố hoạt động vì lợi ích người dân
Tăng sức bền cho hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân | |
Nâng cao vị thế và công năng ngân hàng của quỹ tín dụng nhân dân | |
Vì sự phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân |
Đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Theo thông tin tại hội nghị, trong những năm qua, hệ thống QTDND tỉnh Ninh Bình đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và kết quả hoạt động. Theo đó, kết thúc giai đoạn củng cố chấn chỉnh theo Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh đã có 39 QTDND hoạt động trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Số liệu cập nhật đến ngày 30/9/2020, hệ thống QTDND của tỉnh có hơn 30.000 thành viên tham gia; tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 3.930.000 triệu đồng, tốc độ tăng 12,1%; tổng dư nợ cho vay đạt trên 3.114.000 triệu đồng, tăng 1,9% so với đầu năm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của hệ thống QTDND vẫn đạt kết quả khả quan. Hầu hết các QTDND kinh doanh có lãi, nợ xấu chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 0,29% tổng dư nợ cho vay; chênh lệch thu chi toàn hệ thống bình quân đạt 673,2 triệu đồng/quỹ. Hầu hết các QTDND đã kiện toàn bộ máy tổ chức, đảm bảo tiêu chuẩn của NHNN Việt Nam; đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo qui định.
Qua thực tiễn hoạt động, có thể khẳng định rằng, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã trở thành một kênh cấp vốn hiệu quả để phát triển kinh tế, từng bước góp phần xoá bỏ hụi, họ, cho vay nặng lãi ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương, cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Đồng chí Lê Quang Huy, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III (NHNN) phát biểu tại hội nghị |
Để đạt được kết quả này, đại diện NHNN Chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết, đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN chi nhánh, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của thành viên, cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên trong hệ thống QTDND.
Đồng thời, hội nghị cũng đề ra phương hướng tiếp tục chấn chỉnh, củng cố, phát triển hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của hệ thống QTDND, nhất là các quy định của NHNN Việt Nam về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động, về quản trị, điều hành, về huy động vốn, cho vay thành viên, chế độ quản lý tài chính, chế độ thông tin báo cáo và các chế độ chính sách khác…
Toàn cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn. Theo đó, vẫn còn một số QTDND hoạt động chưa đúng mục tiêu, công tác điều hành, quản trị còn hạn chế; tồn tại rủi ro đạo đức nghề nghiệp dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn của từng quỹ cũng như cho cả hệ thống QTDND; tiếp tục thực hiện các nội dung đã xây dựng trong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; nâng cao năng lực quản trị, điều hành của hội đồng quản trị, ban điều hành; coi trọng công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát huy vai trò của ban kiểm soát…
Để khắc phục những hạn chế này, ông Lê Quang Huy, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III (NHNN) cho rằng, vấn đề lợi dụng các kẽ hở của cơ chế chính sách dẫn đến hiện tượng đổ vỡ đều bao gồm yếu tố của con người. Vì vậy, yếu tố con người luôn cần được chú trọng và quan tâm.
Cùng chung quan điểm này, ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chỉ đạo các QTDND hoàn thiện các văn bản quy định về an toàn hoạt động, quản lý, điều hành, quản trị rủi ro và các quy định khác; tăng cường và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin báo cáo và quản lý của NHNN Việt Nam để quản lý tập trung, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tập trung xử lý theo thẩm quyền các QTDND yếu kém bằng các hình thức sáp nhập, hợp nhất… trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương; nâng cao vai trò quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra về hoạt động tín dụng; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về mô hình, tổ chức và hoạt động của QTDND...
Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh đến vai trò phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND. Bởi, “trong những vấn đề tồn tại, trách nhiệm không hoàn toàn của Chi nhánh NHNN mà còn có trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Hiện có hai nội dung quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND, là quản lý nhà nước theo ngành và theo địa bàn, hai vấn đề cần được kết hợp chặt chẽ, hài hòa”, đồng chí Tống Quang Thìn lưu ý.