“Hội nghị Diên Hồng” gỡ khó cho tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng đang đẩy nhanh giai đoạn cuối năm, hết tháng 11/2023 tín dụng tăng 9,15% Tháo gỡ khó khăn tăng trưởng tín dụng trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” |
Các chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nghị hôm nay có tinh thần như “Hội nghị Diên Hồng” nhằm bàn việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng nêu rõ, ngân hàng, doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng, doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển. Mỗi người, mỗi chủ thể phải cùng có trách nhiệm, “góp gió thành bão” để đất nước vượt qua khó khăn thì bản thân mỗi người, mỗi chủ thể mới vượt qua khó khăn, mới có được sự phát triển chung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị |
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành. Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay của các NHTM giảm khoảng 3%/năm so với cuối năm 2022. Dự kiến, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. NHNN cũng đã phân bổ room tín dụng 14,5% cho các ngân hàng.
Mặc dù ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp và đóng góp tích cực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chưa như kỳ vọng đặt ra. Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao, theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN, chủ yếu từ các yếu tố khách quan. Đó là đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng được điều kiện, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, khó khăn từ thị trường bất động sản cũng tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng, trong khi lĩnh vực này chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Đặc biệt là sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của nhóm khách hàng này bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả, TCTD rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó Thống đốc thẳng thắn chỉ ra còn có nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là mặc dù lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm đáng kể trong thời gian qua, tuy nhiên lãi suất cho vay ở một số NHTM còn khá cao. Một số ngân hàng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng. Việc thực hiện cơ chế tài sản đảm bảo còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp…
Tại hội nghị các hiệp hội, ngành hàng đánh giá cao giải pháp hỗ trợ từ phía ngành Ngân hàng, cho rằng các giải pháp này đã góp phần giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nói chung, trong tiếp cận tín dụng nói riêng. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đánh giá, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh, đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng, có tác dụng, hiệu quả rất tốt trong bối cảnh ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức như vừa qua. Đến nay, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất VND khoảng từ 5-5,9%, lãi suất vay USD từ 4,1-4,5%.
Phía các ngân hàng cũng khẳng định đang tìm mọi giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí như chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn, chưa bao giờ ngân hàng phải sử dụng khen thưởng để thúc tăng tín dụng như thời điểm này. Trong điều kiện hiện tại, dù có đưa ra nhiều giải pháp nhưng nếu sức cầu không cải thiện thì tăng trưởng tín dụng vẫn rất khó.
Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian qua, các ngân hàng giảm mạnh lãi suất và mức lãi suất đang ở rất thấp. Thực tế hiện nay, tại VPBank mức giảm lãi suất cho vay lớn hơn mức giảm chi phí lãi vay. “Việc các ngân hàng tập trung mở rộng, tạo điều kiện cho vay giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận rủi ro lớn hơn. Có thể nói ngân hàng đang chấp nhận đánh cược với nền kinh tế”, ông Vinh bày tỏ.
Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tín dụng tăng trưởng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định, về tổng thể, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong; nền kinh tế chúng ta đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế, song kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện. Góp phần vào những kết quả đạt được rất cơ bản, đáng trân trọng và ghi nhận đó có đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương NHNN đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10/2023. Bên cạnh những kết quả mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số TCTD, NHTM tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn; dư địa còn lại của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế.
Liên quan tới tăng trưởng vốn để hỗ trợ phát triển kinh tế, Thủ tướng khẳng định, không hạ chuẩn tín dụng nhưng xử lý linh hoạt, phù hợp tình hình; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan đến vốn, phí, lệ phí, đầu tư công, các hoạt động khác để hỗ trợ chính sách tiền tệ; kịp thời xử lý những vướng mắc từ thực tiễn, cơ chế khiến chính sách đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân tiền gửi của hệ thống TCTD, lãi suất bình quân cho vay của từng TCTD, chênh lệch lãi suất bình quân giữa tiền gửi và cho vay, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay; đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng TCTD trong các lĩnh vực quan trọng, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.