Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong triển khai chính sách
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả
Lãnh đạo Agribank cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị - xã hội; kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như của Agribank. Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn so với dự báo, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 17/01/2024 của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 được giao.
Trong điều kiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, Agribank đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả: thay đổi mạnh mẽ tư duy trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt trong công tác tín dụng, chủ động tìm kiếm và có chính sách thu hút đối với các khách hàng có phương án/dự án kinh doanh khả thi, có hiệu quả; Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong quy trình cho vay nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ, tiết giảm tối đa thời gian thẩm định, phê duyệt tín dụng; Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ phù hợp về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan theo chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN; Kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng đối với các chi nhánh, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có giải pháp quản lý hiệu quả đối với cho vay nhóm khách hàng liên quan, cho vay liên chi nhánh…; Chủ động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,5% - 2%/năm, đặc biệt đối với các khoản giải ngân mới; lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 1-2,5%/năm...
Hiện nay, Agribank đang chủ động dành khoảng 250.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất tới nhiều đối tượng khách hàng: doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư trung, dài hạn, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP và khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng...
Agribank phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân |
Thời điểm 30/6/2024, sau 11 tháng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, Agribank đã thực hiện cấp tín dụng 7.183 tỷ đồng với khoảng 5.000 lượt giải ngân tới các khách hàng, tập trung vào hoạt động khai thác nuôi trồng thủy sản; thu mua tiêu thụ thủy sản; chế biển bảo quản lâm sản... Bên cạnh đó, Agribank triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ. Tính đến hết quý II/2024, Agribank đã phê duyệt 11 dự án nhà ở xã hội với tổng số tiền phê duyệt là 3.023 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm 30/6/2024 là 657 tỷ đồng, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về doanh số giải ngân của chương trình. Ngoài ra, Agribank đang tiếp cận 13 dự án nhà ở xã hội với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Nhờ đó, đến 30/6/2024, dư nợ toàn hệ thống Agribank đến 30/6/2024 tăng 2,6% so với 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 giảm 0,02% so với cuối năm 2023…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Agribank trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, các nhiệm vụ chính trị được giao trong thời gian qua và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động. Nhờ đó, Agribank tiếp tục là ngân hàng có hệ thống mạng lưới đứng đầu và quy mô tín dụng đứng thứ hai toàn hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, ngân hàng luôn tiên phong, phát huy tốt vai trò chủ đạo trong triển khai các chủ trương, chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN. Nhất là trong hoạt động cho vay và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank là một trong các ngân hàng có tiến độ xây dựng, trình NHNN phê duyệt phương cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 sớm nhất, đến nay, ngân hàng đã triển khai đồng bộ 11 nhóm mục tiêu, giải pháp và bước đầu đạt được những chuyển biến tích cực.
Đồng thời, Agribank luôn chú trọng, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán.
Mặt khác, Agribank luôn đi đầu trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; Công tác quản trị hoạt động, công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể… cũng đang được Agribank nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển chung
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thời gian tới hoạt động của ngành Ngân hàng nói chung, Agribank nói riêng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Thống đốc yêu cầu Agribank phát huy tốt những kết quả đạt được và nỗ lực khắc phục các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Trong đó, lưu ý một số nội dung trọng tâm. Cụ thể, về công tác tiền tệ, tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, Agribank tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo NHTM 100% vốn nhà nước trong việc dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và của Ngành về tiền tệ, tín dụng; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn; Tiếp tục triển khai hiệu quả, thực chất, công khai, minh bạch các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy tín dụng và giảm lãi suất cho vay.
Trong đó, Thống đốc lưu ý Agribank cần có các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để đảm bảo thực hiện tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN giao; Phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương chủ động nắm bắt và tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả, thực chất; Nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông để truyền tải sâu rộng các chương trình, chính sách, giải pháp hỗ trợ về tín dụng, lãi suất…
Trong công tác quản trị hoạt động, chú trọng quản trị rủi ro thường xuyên, liên tục, từ sớm, từ xa trên toàn diện tất cả các mặt hoạt động. Đặc biệt, phải kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên mức độ tập trung tín dụng đối với một khách hàng, nhóm khách hàng và lĩnh vực cho vay; Có biện pháp kiểm soát chặt chẽ dư nợ, không để nợ xấu mới phát sinh, làm tốt công tác quản lý nợ xấu và xử lý nợ xấu… Thường xuyên nhận diện, phát hiện và triển khai các giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả; Tăng cường kiểm tra, đối chiếu công nợ của khách hàng đặc biệt là đối với khách hàng là doanh nghiệp có dư nợ lớn để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, cảnh báo và xử lý rủi ro tín dụng. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ, không để thất thoát vốn nhà nước đối với các hoạt động đầu tư; Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng, chống rửa tiền trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm soát và bộ phận kiểm tra, kiểm toán nội bộ của Agribank…
Về công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, Agribank cần triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra và góp phần cùng toàn Ngành hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Trong công tác an ninh, an toàn, bảo mật thông tin và hệ thống thanh toán, Agribank cần đặc biệt quan tâm hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục nội bộ để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thanh toán; Tập trung xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu dự phòng thảm họa để bảo đảm hoạt động ngân hàng thông suốt, liên tục, không bị gián đoạn khi hệ thống chính gặp sự cố.
Về công tác thể chế, pháp chế, ngân hàng cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với yêu cầu hoạt động (đặc biệt là đối với công tác quản trị rủi ro) và các quy định hiện hành; tập trung nguồn lực hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này. Ngoài ra, Agribank cần tiếp tục làm tốt các mặt công tác khác như: công tác tổ chức, cán bộ, công tác Đảng, đoàn thể, công tác truyền thông…
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị Agribank tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ được giao; tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, đi đầu trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và NHNN, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước và của Ngành.