Hội thảo “Bảo vệ quyền sách trên không gian mạng"
Hội thảo do Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản – In – Phát hành Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức.
Ảnh: VGP |
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các đơn vị xuất bản Việt Nam và các nước Đông Nam Á trao đổi kinh nghiệm, giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế lĩnh vực xuất bản.
Hội thảo tập trung vào những nhóm chủ đề như: Nhận diện những hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng số; Đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền sách trên các nền tảng số; Thực trạng bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á hiện nay: Đánh giá thể chế, thiết chế và các giải pháp kỹ thuật bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số hiện nay; Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên nền tảng số của các nước Đông Nam Á…
“Việt Nam là một thành viên tích cực của ABPA. Chúng tôi rất ý thức về phát triển ngành xuất bản, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền, coi bảo vệ bản quyền là một trong hai trụ cột (cùng với phát triển văn hóa đọc) để thúc đẩy xuất bản phát triển. Hội thảo là một cơ hội để ngành xuất bản chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, giải pháp nhằm tạo kết quả hiện hữu, thiết thực trong việc bảo vệ bản quyền sách nói chung, bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng nói riêng”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nói.
Tham gia hội thảo, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lên án sách lậu, sách giả: “Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay sách giả, sách lậu đã có thể gọi là ‘quốc nạn’. Nó giống một thứ virus, một thứ dịch bệnh liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng. Nhìn xa hơn, nạn sách giả, sách lậu còn làm xấu hình ảnh của đất nước, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và kinh doanh văn hóa của Việt Nam nói riêng”. Ông kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao ý thức chống sách giả, sách lậu, đẩy lùi vấn nạn vi phạm bản quyền.
Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia, cho biết vi phạm bản quyền sách đã trở thành một vấn nạn lớn trong ngành xuất bản Indonesia: “Thế giới kỹ thuật số rất dễ dãi đối với việc vi phạm bản quyền và sao chép bất hợp pháp. Các quy định không có lợi cho các nhà xuất bản sách. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp”.
Năm 2019, 11 nhà xuất bản thuộc Ikapi báo cáo sách bị vi phạm bản quyền, thiệt hại lên tới 7,5 triệu USD. Con số thiệt hại thực tế chắc chắn còn lớn hơn khi số lượng thành viên Ikapi năm đó là khoảng 1.600.
Ông Atty. Dominador D. Buhain, Chủ tịch Hội Xuất bản Philippines, cho biết tại Philippines, “những tên cướp” - những kẻ bắt chước và sao chép tràn lan các tác phẩm của người khác bất hợp pháp - đang nhắm mục tiêu vào ngành xuất bản. Để ngăn chặn tình trạng này, chính phủ Philippines cử một cơ quan phụ trách bảo vệ bản quyền. Cơ quan này nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục ý thức bản quyền và thúc đẩy các khuôn khổ pháp lý tạo ra sự thay đổi lâu dài trong việc giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền.
Ban Tổ chức hội thảo kỳ vọng các nước trong Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cùng nhau có tuyên bố chung góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền sách nói chung, trên không gian mạng nói riêng.