Hội nghị thường niên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á - ABPA
Tham dự hội nghị có đoàn các nước thành viên ABPA gồm đại diện những người làm xuất bản trong khu vực Đông Nam Á; đại diện các cơ quan, đơn vị trong nước như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh…
Hội nghị tập trung vào ba nhóm chủ đề chính:
Thứ nhất, rà soát thực trạng ngành xuất bản các nước thành viên ABPA. Ngành xuất bản các nước ASEAN đã vượt qua khó khăn như tác động tiêu cực của Covid-19, suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu… Xuất bản của một số quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Việt Nam… đều có tín hiệu tích cực. Báo cáo của các thành viên ABPA cho thấy xuất bản các nước ABPA đã nỗ lực lớn để đa dạng hóa các hoạt động phát triển văn hóa đọc, thành lập trung tâm giao dịch bản quyền, tăng cường hiện diện tại các hội sách quốc tế, tổ chức các giải thưởng sách quốc gia, thúc đẩy sử dụng học liệu điện tử…
Thứ hai, đề xuất các hướng thúc đẩy hợp tác nội khối. Với tư cách Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2022-2023, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra 3 đề xuất chính:
- Tiếp tục nghiên cứu thực hiện sáng kiến “One ASEAN”, thông qua Hiệp hội thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa nhà xuất bản của các nước, từ đó học hỏi kinh nghiệm, trao đổi bản quyền trong khu vực, thực hiện mục tiêu làm đa dạng bản sắc ASEAN, đưa khu vực thành trung tâm xuất bản, từng bước vươn tầm thế giới.
- Thành lập trung tâm bản quyền trực thuộc ABPA nhằm giới thiệu sách của các nhà xuất bản thuộc các hiệp hội thành viên, góp phần thúc đẩy giao dịch bản quyền nội khối và chia sẻ thông tin để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm bản quyền.
- Giải thưởng sách ASEAN, với ban giám khảo (chủ tịch các hội xuất bản thành viên ABPA) sẽ cho ý kiến về các nguyên tắc, quy chế và tiêu chí lựa chọn sách viết về chủ đề ASEAN (bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ địa phương kèm bản dịch tiếng Anh).
- Tổ chức Hội chợ sách quốc tế ở TP.HCM vào tháng 4/2024.
Thứ ba, thảo luận và quyết định nước nào sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025.
Hội nghị thảo luận quyết định nước nào đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ABPA nhiệm kỳ 2024-2025 và biểu quyết. Hội nghị cũng trao tặng giấy chứng nhận cho một số thành viên kỳ cựu và trao giấy chứng nhận cho đại diện tất cả các đoàn tham dự Hội nghị
PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó tổng biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch luân phiên ABPA - bày tỏ niềm vui khi Việt Nam là một phần của một cộng đồng đã sát cánh cùng nhau trong 18 năm qua.
“Hiệp hội bước đầu đáp ứng được các nhu cầu giao lưu, hợp tác giữa các nước thành viên. Hiệp hội trở thành một kênh trao đổi thông tin, chia sẻ những chính sách mới của ngành xuất bản mỗi nước, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay thúc đẩy phát triển văn hóa đọc. Qua đó các thành viên có cơ hội học hỏi lẫn nhau, tùy chỉnh áp dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng nước”, PGS.TS Phạm Minh Tuấn nói.
Các hoạt động do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức trong nhiệm kỳ Chủ tịch cũng hướng đến mục tiêu chung ASEAN, đặc biệt là “Duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định và tăng cường hơn nữa các giá trị hướng tới hòa bình trong khu vực và nâng cao khả năng tự cường khu vực thông qua đẩy mạnh hợp tác chính trị, an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội”.
Đến nay, sau gần 2 năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ABPA, Hội Xuất bản Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp ngoại giao nhân dân, đóng góp tích cực vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.