Hôm nay Quốc hội biểu quyết thông qua Luật quản lý nợ công (sửa đổi)
Kiểm soát nợ công đã tốt hơn, giảm còn 62,6% GDP | |
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công | |
Nợ công năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 63,9% GDP |
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV |
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) chiều ngày 3/11, vẫn còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về một số nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1).
Theo đó một số ý kiến cho rằng cùng là DNNN, nhưng quy định như khoản 2, Điều 1, dự thảo Luật có nghĩa các khoản vay theo cơ chế khác lại không được tính vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Trong khi thực tế cho thấy, trong trường hợp DN khó khăn, rủi ro do thiên tai, không trả nợ được, thì người trả nợ cuối cùng vẫn là Nhà nước. Do đó, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng hơn việc loại bỏ khoản nợ này của DNNN ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng “việc không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là cần thiết”, vì nghĩa vụ nợ do DNNN tự vay, tự trả tức là Nhà nước không vay, không bảo lãnh, nên không đủ nghĩa vụ của nợ công. DNNN là DN cổ phần, khi không đủ khả năng trả nợ sẽ xử lý bằng tài sản bảo đảm. Trường hợp xấu phải phá sản thì Nhà nước chỉ mất trong phạm vi vốn điều lệ, không chịu gánh nặng trả nợ.
Liên quan tới vấn đề quản lý nợ công, đa số các đại biểu tán thành với việc quy định theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nợ công như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Cụ thể, Dự thảo luật quy định theo hướng: (i) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; (ii) Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ”; (iii) Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công…
Một số ý kiến cũng đề nghị xác định cụ thể trần nợ công, nợ Chính phủ; bổ sung tiêu chí, phương pháp để tính các chỉ tiêu an toàn nợ công/GDP, nợ của Chính phủ/GDP.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự thảo luật quy định mức trần nợ công so với GDP, nợ của Chính phủ/GDP là các chỉ tiêu nằm trong hệ thống các chỉ tiêu an toàn về nợ công do Quốc hội quyết định, không quy định mức trần của các chỉ tiêu này trong Luật. Các chỉ tiêu này được thể hiện trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Quy định này một mặt bảo đảm xác lập đầy đủ căn cứ pháp lý cho quá trình thực hiện, mặt khác vẫn bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ. Tiêu chí, phương pháp tính các chỉ tiêu an toàn nợ công được dựa trên quy định về thống kê, kế toán, số liệu về GDP, nợ công, thu NSNN, tổng kim ngạch xuất khẩu... Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Dự thảo luật đã trình Quốc hội.
Cũng trong sáng nay Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Sau đó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.