Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công
Nỗi lo nợ công, hụt thu | |
Tìm động lực cho tăng trưởng |
Mặc dù cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Luật, song đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) vẫn băn khoăn với quy định về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1). Vì theo vị nữ đại biểu của đoàn Tuyên Quang, cùng là DNNN, nhưng quy định như khoản 2, Điều 1, dự thảo Luật có nghĩa các khoản vay theo cơ chế khác lại không được tính vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, trong trường hợp DN khó khăn, rủi ro do thiên tai, không trả nợ được, thì người trả nợ cuối cùng vẫn là Nhà nước. Do đó, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị, Ban soạn thảo cần xem xét kỹ lưỡng hơn việc loại bỏ khoản nợ này của DNNN ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Tuy nhiên, đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) lại cho rằng “việc không đưa nợ tự vay, tự trả của DNNN vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là cần thiết”, vì nghĩa vụ nợ do DNNN tự vay, tự trả tức là Nhà nước không vay, không bảo lãnh, nên không đủ nghĩa vụ của nợ công. DNNN là DN cổ phần, khi không đủ khả năng trả nợ sẽ xử lý bằng tài sản bảo đảm. Trường hợp xấu phải phá sản thì Nhà nước chỉ mất trong phạm vi vốn điều lệ, không chịu gánh nặng trả nợ.
Dù vậy, đại biểu Mai Hồng Hà cũng đề nghị, việc quy định phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật theo nguyên tắc “vừa chọn cho, vừa chọn bỏ” là không phù hợp, nên cần cân nhắc bỏ khoản 2, Điều 1.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu tán thành với việc quy định theo hướng thống nhất đầu mối quản lý nợ công như giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã thống nhất rà soát, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật với hầu nết các nội dung thể hiện trong báo cáo này.
Riêng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý nợ công, ông Hải cho biết, theo đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, việc quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài là cần thiết vì những lý do sau.
Thứ nhất, Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách Nhà nước và trả nợ công.
Vì vậy, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần thể chế hóa chủ trương này, khắc phục tình trạng 3 cơ quan cùng tham gia vay nợ nước ngoài dẫn đến thiếu sự gắn kết trong huy động, sử dụng, giải ngân vốn không sát với dự toán được giao, Quốc hội phải nhiều lần điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.
Thứ hai, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính.
Thứ ba là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công, Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công nhưng tiếp tục giữ quan điểm phân công các cơ quan như Dự thảo luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì vận động ODA và vay ưu đãi nước ngoài; chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định khung về vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. NHNN Việt Nam chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay cụ thể với các tổ chức tài chính quốc tế. Bộ Tài chính chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định vay cụ thể, không bao gồm các hiệp định vay với các tổ chức tài chính quốc tế. Quy định cụ thể trong Luật về nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Vì vậy, theo ông Nguyễn Đức Hải, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Dự thảo luật quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính: “chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ”. Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý Nhà nước về nợ công (bỏ nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành liên quan tại các điều 20, 21, 22, 23 Dự thảo luật đã trình Quốc hội). Nội dung tiếp thu xin thể hiện cụ thể tại Điều 15 Dự thảo luật.
Cũng có ý kiến băn khoăn, việc quy định nhiệm vụ chủ trì đàm phán, ký kết các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài sẽ dẫn đến thay đổi nhiệm vụ này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN Việt Nam tại Luật Đầu tư công và Luật NHNN Việt Nam.
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, việc áp dụng luật sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó: “Các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”, không phải sửa lại Luật Đầu tư công và Luật NHNN Việt Nam.