Hợp đồng điện tử: Bước ngoặt số hóa doanh nghiệp
Hợp đồng điện tử giúp doanh nghiệp tiết giảm mạnh chi phí Thêm 5 doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử Doanh nghiệp cần quan tâm tới hoạt động trọng tài điện tử |
Hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc chứng minh lịch sử giao dịch |
Tạo sự bùng nổ đa kênh
Việc ứng dụng Hợp đồng điện tử trong nền kinh tế Việt Nam sẽ đóng một vai trò tối quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế số đầy đủ, giúp Chính phủ quản lý và phát triển hoạt động thương mại một cách hiệu quả và bền vững. Hợp đồng điện tử giúp các doanh nghiệp vận hành quy trình kinh doanh nhanh chóng hơn, rút ngắn thời gian giao kết giữa các doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính.
Các doanh nghiệp bên cạnh việc tiết kiệm chi phí, sẽ giải quyết được vấn đề chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp khi các hợp đồng vốn là nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ hiệu quả, đảm bảo giá trị như bản giấy/bản gốc trong giao dịch.
Hơn thế nữa, hợp đồng điện tử sẽ được xác thực ngay tại thời điểm ký kết, điều này là căn cứ để doanh nghiệp có thể yên tâm ứng dụng triệt để hợp đồng điện tử, giúp hiệu quả hợp tác được nhân lên nhiều lần khi không phải chờ đợi, đi lại để hoàn tất việc thực hiện ký kết, cũng như xin xác thực khi cần dùng cho bên thứ 3.
Người tiêu dùng, cá nhân cũng được hưởng rất nhiều lợi ích đối với việc ứng dụng hợp đồng điện tử trong đó có các yếu tố: Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; đảm bảo sự công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp; quy trình khiếu nại, giải quyết tranh chấp sẽ nhanh chóng và thuận tiện hơn khi hợp đồng điện tử đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả khi sử dụng làm chứng cứ để giải quyết các khiếu nại dựa trên các điều khoản các bên đã cam kết.
Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hợp đồng điện tử khi được ứng dụng hiệu quả sẽ tạo ra sự bùng nổ về giao dịch đa kênh, giúp người bán hàng, nhà cung cấp, nhà sản xuất, người tiêu dùng gắn kết với nhau nhanh chóng trong một mạng lưới dữ liệu hiệu quả.
Đồng thời giúp minh bạch hóa thị trường, nền kinh tế, tránh thất thu thuế khi mọi giao dịch đều có tính minh bạch, có khả năng xử lý, giải quyết khiếu nại kịp thời, đảm bảo các yếu tố về bằng chứng, chứng cứ để giúp nâng cao hiệu quả của lực lượng trọng tài, các cơ quan giải quyết tranh chấp, tòa án…
Theo bà Oanh, hợp đồng điện tử được ứng dụng rộng rãi và quản lý tốt giúp các cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả công tác phòng chống lừa đảo, trốn thuế; quản lý hàng giả, hàng nhái trong lưu thông.
Tiềm ẩn rủi ro
Mặc dù hợp đồng điện tử đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, song bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ này cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể.
Theo bà Oanh, một trong những mối lo ngại lớn nhất chính là vấn đề bảo mật thông tin. Hợp đồng điện tử thường chứa đựng những dữ liệu nhạy cảm như thông tin cá nhân, tài chính, hay các điều khoản giao dịch quan trọng. Nếu không được bảo vệ kỹ lưỡng, những thông tin này có thể bị kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi gian lận, lừa đảo, gây thiệt hại cho các bên tham gia giao dịch.
"Khi thông tin hợp đồng bị rò rỉ, doanh nghiệp có thể đối mặt với nguy cơ mất khách hàng, tổn hại đến uy tín, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm pháp lý trước những hậu quả xảy ra", bà Oanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, tính toàn vẹn của hợp đồng điện tử cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc dễ dàng chỉnh sửa, xóa bỏ dữ liệu trên môi trường số có thể dẫn đến tranh chấp, gây khó khăn trong việc chứng minh quyền lợi của các bên khi xảy ra tranh chấp.
Ngoài ra, việc sử dụng hợp đồng điện tử không đúng quy định pháp luật cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Nếu hợp đồng điện tử không đáp ứng được các tiêu chuẩn về hình thức và nội dung theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các quy định liên quan, có thể dẫn đến hợp đồng không có giá trị pháp lý, gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp và thực thi quyền lợi.
Trước những rủi ro trên, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần có những biện pháp bảo đảm an toàn thông tin hiệu quả, đồng thời nâng cao nhận thức của người dùng về cách sử dụng hợp đồng điện tử an toàn. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện và minh bạch về giao dịch điện tử cũng là một yêu cầu cấp thiết để tạo ra một môi trường kinh doanh số an toàn, tin cậy.
Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty TNHH FPT IS cho biết: "Việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên, chúng ta cần phải đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh mạng. Chỉ khi nào người dùng cảm thấy an tâm và tin tưởng vào tính bảo mật của hệ thống, thì các giao dịch điện tử mới thực sự phát triển mạnh mẽ".
Còn ông Đỗ Kế Công - Giám đốc Trung tâm chữ ký số và hợp đồng điện tử (VNPT) thẳng thắn thừa nhận những rào cản lớn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt khi chuyển đổi sang sử dụng hợp đồng điện tử. Đó là những chi phí phát sinh, thủ tục hành chính rườm rà và sự thiếu tin tưởng từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, trước những khó khăn này, VNPT đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp đột phá. Điển hình như việc miễn phí hoàn toàn chi phí khởi tạo chữ ký số và cung cấp các gói ký với mức giá cực kỳ ưu đãi, chỉ từ 1.000 đồng mỗi lượt ký. Đây được xem là một bước đi táo bạo nhằm thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.