Hướng đến xanh hóa ngành logistics
Chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu Để phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế |
TS. Tôn Thất Tú, chuyên gia tư vấn quốc tế nhận định, trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường và xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang diễn ra trên toàn cầu, việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh cũng như đa dạng các giải pháp “xanh hóa” logistics trên các phương diện như vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh… vào kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các loại hàng hóa của Việt Nam.
“Để làm được điều này, Chính phủ cần đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước. Cùng với đó, cần đơn giản hóa quy định và giảm thủ tục hành chính để khuyến khích sự cạnh tranh và đổi mới trong ngành. Đồng thời, gia tăng đầu tư vào các chương trình phát triển kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là quản lý chuỗi cung ứng và công nghệ thông tin. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng nhân lực và hiệu quả của hoạt động vận tải hàng hóa. Mặt khác, Chính phủ có thể khuyến khích áp dụng các công nghệ mới như tự động hóa kho bãi, hệ thống quản lý vận tải và trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để cải thiện hiệu quả và độ chính xác của hoạt động vận tải hàng hóa”, TS Tú kiến nghị.
Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, logistics được xác định là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Thành phố đã phê duyệt đề án “Phát triển ngành logistics TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với trọng tâm phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI. Với vai trò là trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10-15%.
Theo đề án đã được phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 8 trung tâm logistics với tổng diện tích hơn 750ha bao gồm Cát Lái - Phú Hữu - TP. Thủ Đức (diện tích 292 ha), Long Bình - Thành phố Thủ Đức (diện tích 54 ha), Linh Trung - TP. Thủ Đức (diện tích 74 ha), Củ Chi - huyện Củ Chi (diện tích 15 ha), Tân Kiên - huyện Bình Chánh (diện tích 60 ha), Hiệp Phước - huyện Nhà Bè (diện tích 100 ha), xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn (diện tích 150 ha). Ngoài ra, các dự án có chức năng “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở Củ Chi… cũng đang được các doanh nghiệp triển khai xây dựng.