Hướng về thị trường nội
Ngay trong những tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của nhiều ngành như da giày, dệt may, gỗ... giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.
Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2023 ngành này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi lạm phát tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU tăng cao, cộng thêm lãi suất tăng khiến người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 1/2023 giảm 38,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 2,6 tỷ USD. Một số thị trường xuất khẩu chủ lực đều có xu hướng giảm, trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh, lên đến 46% so với cùng kỳ, đạt 1,02 tỷ USD; thị trường EU lần đầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh 25% cùng kỳ 2021; thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm 54% so với cùng kỳ… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành cần phải có những chiến lược, giải pháp phù hợp, đặc biệt, cần khai thác tốt thị trường nội địa. Đây là thị trường rất tiềm năng trong giai đoạn hiện nay.
Trong những năm gần đây, bên cạnh mở rộng và phát triển xuất khẩu, Tổng công ty CP May Việt Tiến đã xây dựng và phát triển thị trường nội địa một cách bền vững. Ông Phan Văn Kiệt - Phó tổng giám đốc Việt Tiến cho biết, trong khi thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn thì đơn vị đang đứng vững tại thị trường nội địa. Hiện nay, Việt Tiến có trên 1.000 cửa hàng và đại lý trên cả nước. Bên cạnh chuỗi cửa hàng Viettien House đang phát triển thì doanh nghiệp cũng vừa khai trương Trung tâm Viettien Mall rộng 2.000m2 tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, Viettien House là mô hình kinh doanh các thương hiệu thời trang của công ty mẹ Việt Tiến, Viettien Mall là sự kết hợp giữa các thương hiệu của Việt Tiến, các thương hiệu của công ty con và các thương hiệu quốc tế.
Theo ông Kiệt, để chinh phục thị trường trong nước, Việt Tiến luôn nỗ lực tạo ra sự khác biệt, đa dạng hóa kiểu dáng, mẫu mã, đáp ứng được kịp thời xu thế thời trang của thế giới nói chung và ngành công nghiệp thời trang trong nước nói riêng. Chất lượng sản phẩm của Việt Tiến đã khẳng định được vị thế, uy tín trên thế giới cũng như thị trường trong nước.
Mục tiêu của Tổng công ty trong thời gian tới là đa dạng hóa khách hàng mục tiêu, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và thời trang hóa thương hiệu Viettien. Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng kinh doanh một số thương hiệu thời trang quốc tế, trước mắt là hợp tác với thương hiệu thời trang thể thao Skechers và Nike. Đồng thời, mở rộng và nâng cấp hệ thống phân phối (Viettien House) trong nước và nước ngoài; tập trung đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (tự động hóa) cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm; nâng cao thu nhập của người lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Cũng như vậy, Công ty CP ALIGRO (Hà Nội) là thương hiệu dệt may đã và đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường nội địa. Tổng Giám đốc Hoàng Văn Linh cho biết, doanh nghiệp được thành lập năm 2014 và ngay từ ban đầu đã xác định thị trường trong nước là “cốt yếu và chiến lược”. Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm thời trang chất lượng, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng thêm hệ thống showroom trên toàn quốc. Để chinh phục được người tiêu dùng nội địa, doanh nghiệp đã tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", trong đó vừa cải tiến mẫu mã, vừa nâng cao chất lượng và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Trải qua gần 10 hoạt động, đến nay ALIGRO khẳng định là thương hiệu thời trang công sở nam cao cấp trong nước.
Theo ông Linh, hiện nay thị trường nội địa đang có sự cạnh tranh rất lớn của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Để đứng vững và khẳng định được mình, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng Việt. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ trên toàn bộ hệ thống showroom và trên các nền tảng online...
Theo đánh giá của các chuyên gia, với tiềm năng lớn ở thị trường gần 100 triệu dân trong nước, các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang dần quay trở về “sân nhà” khi hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, sau giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, đến nay thị trường trong nước phục hồi nhanh chóng. Những năm qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ, tạo dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn với nhiều thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Các sản phẩm cần giành được sự tín nhiệm của người tiêu dùng bằng chất lượng. Bên cạnh đó, còn phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế như một sự cam kết đảm bảo chất lượng luôn ổn định và hướng tới nền kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, tuân thủ, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cũng như trách nhiệm với xã hội...