Hút vốn đầu tư cho hạ tầng đường sắt
Quy hoạch mạng lưới đường sắt trong giai đoạn tới |
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, hiện nay nguồn vốn ngân sách đầu tư cho hạ tầng đường sắt quá ít ỏi. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng đường sắt quốc gia đến năm 2030 cần khoảng 240.000 tỷ đồng. Trong khi tiền ngân sách bố trí cho đầu tư hạ tầng đường sắt giai đoạn 2021-2025 là 14.025 tỷ đồng, chỉ đáp ứng 5,8% so với nhu cầu.
Mặt bằng của các nhà ga tàu hỏa truyền thống chưa được khai thác hiệu quả |
Vì vậy, để mở rộng cơ hội cho các địa phương tham gia đầu tư hạ tầng đường sắt, Chính phủ nên xem xét phân quyền cho 26 UBND tỉnh, thành có tuyến đường sắt chạy qua; cho phép các địa phương chủ động trong việc lập kế hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, quy hoạch các nhà ga có lợi thế kinh doanh thương mại để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng kết hợp nhà ga phục vụ khách hàng. Cục Đường sắt cho rằng, nếu được chấp thuận, trong những năm tới các ga có lợi thế mặt bằng thương mại như ga Lào Cai, ga Đồng Đăng, Tổ hợp ga Hà Nội - Ngọc Hồi, ga Thanh Hóa, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang và ga Sài Gòn… sẽ có nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư.
Ghi nhận thực tế cho thấy, câu chuyện kêu gọi tư nhân đầu tư vào hạ tầng đường sắt, trong đó có kế hoạch cải tạo công năng các “khu đất vàng” tại các nhà ga đã được ngành đường sắt đề cập từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế phân quyền cho các địa phương, đồng thời vướng mắc về pháp lý và thủ tục đầu tư nên chưa có dự án nào thực sự được triển khai.
Chẳng hạn tại TP.HCM, khoảng 10 năm trở lại đây, việc giữ lại hay không giữ lại ga Hòa Hưng (tức Sài Gòn) cũng nhiều lần được bàn thảo. Năm 2013, dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng thậm chí đã được phê duyệt với mức đầu tư 4.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chưa thống nhất việc giữ hay bỏ ga Sài Gòn hiện hữu nên chưa thực hiện được.
Ở các địa phương khác như Hà Nội, Đà Nẵng, những năm trước một số tập đoàn tư nhân như Vingroup, Sun Group cũng đã có ý định mua lại một số nhà ga lớn để đầu tư các trung tâm thương mại kết hợp du lịch. Một số doanh nghiệp tư nhân (như Sun Group) thậm chí đã cam kết đầu tư hệ thống toa tàu trang bị nội thất hiện đại để phục vụ khách du lịch trên các tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Sài Gòn - Đà Nẵng, Hà Nội - Lào Cai. Tuy nhiên, do vướng mắc các pháp lý về quản lý tài sản công và thủ tục đầu tư, đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.
Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong khi các dự án cải tạo hạ tầng, tăng khai thác thương mại từ các tuyến đường sắt và nhà ga hiện hữu không mấy hiệu quả thì những năm gần đây hoạt động đầu tư các tuyến đường sắt cao tốc bắt đầu có sự khởi sắc đáng kể.
Tại phía Nam, mới đây dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ (tổng chiều dài 135km) đã được Quỹ Morfund của Canada ký biên bản ghi nhớ tài trợ vốn khoảng 5 tỷ USD. Hai nhà đầu tư khác đến từ Anh và Hoa Kỳ cũng đã đạt được một số thỏa thuận về hợp tác phát triển dự án. Ở Đồng Nai và Vũng Tàu, hiện các dự án xây dựng đường sắt nhẹ tuyến Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã bắt đầu kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Đầu năm 2022 vừa qua, các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản như Hitachi, Koica đã khảo sát để hợp tác phát triển đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cụm cảng Cái Mép -Thị Vải. Trong khi đó, ở khu vực miền Trung tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ hiện đã được xác định đầu tư theo hình thức PPP và thu hút hàng chục nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương như Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Ninh Thuận hàng chục doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực du lịch đều có mong muốn hợp tác phát triển các tuyến du lịch bằng đường sắt. Nhiều doanh nghiệp như: Haraco, TSC, Violette trains, đường sắt Đông Dương… đều kỳ vọng hợp tác với ngành đường sắt để mở rộng các tour tuyến du lịch bằng tàu hỏa và sẵn sàng hợp tác đầu tư các hạng mục hạ tầng thương mại, dịch vụ để nâng cao trải nghiệm phục vụ du khách.
Vì vậy, nếu các địa phương được phân quyền, chủ động hơn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư, khai thác lợi thế “đất vàng” các nhà ga thì cơ hội tăng thu cho ngành đường sắt sẽ rất lớn. Từ đó có nguồn lực để cải tạo, nâng cấp hạ tầng hiện hữu trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.