Sáng 27/10/2024, bão số 6 (Tra Mi) đã đổ bộ vào TP. Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Bão số 6 đã gây ra mưa to và rất to trên diện rộng toàn TP. Đà Nẵng. Thậm chí có nơi ghi nhận đến 400mm...
Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, chính quyền TP. Đà Nẵng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chức năng ứng trực, vận động bà con không được chủ quan, chủ động thực hiện các giải pháp để phòng chống bão.
|
Bí thư Thành ủy TP. Đà Nẵng trực tiếp chủ trì họp trực tuyến để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 6 |
Trong sáng 27/10/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đi kiểm tra thực tế tình hình ứng phó bão số 6 (Tra Mi) tại 6 điểm trên địa bàn: Trạm bơm chống ngập Thuận Phước, Trạm bơm chống ngập Ông Ích Khiêm, Trạm xử lý nước Thanh Huy, Trạm cửa phai khu vực hồ Ba Sen Vàng, cảng Liên Chiểu và dự án Toà nhà chung cư FPT Plaza 3. Tại các điểm kiểm tra, ông Lê Quang Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi sát sao thông tin dự báo, cũng như diễn biến tình hình bão số 6 để sẵn sàng ứng phó, phòng chống bão, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa bão gây ra.
|
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6 tại các địa bàn |
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị triển khai các phương án ứng phó, phối hợp chặt chẽ trong việc khắc phục sự cố về hạ tầng kỹ thuật và nhà chung cư, bảo đảm an toàn vận hành. Đặc biệt, cần tiến hành khơi thông, dọn dẹp cỏ rác tại các vị trí cửa thu nước ở những khu vực có nguy cơ ngập úng. Đối với công trình các Tuyến cống thoát nước, Phó Chủ tịch Lê Quang Nam yêu cầu các nhà thầu phải túc trực thường xuyên để sẵn sàng vận hành trạm bơm cuối tuyến ngay khi có mưa lớn. Trong đó, tiếp tục đánh giá hiệu quả vận hành của trạm bơm trong các trận mưa sắp đến.
|
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trực tiếp kiểm tra tại hiện trường |
Tại công trình Cảng Liên Chiểu, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam đặc biệt lưu ý việc bảo đảm an toàn cho hệ thống trang thiết bị tại Cảng Liên Chiểu; các đơn vị cần bố trí lực lượng ứng trực đầy đủ tại những vị trí xung yếu, đồng thời chuẩn bị các phương án dự phòng để ứng phó với tình huống xấu nhất. Dự báo đây là cơn bão có sức gió rất lớn, vì vậy cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người, thiết bị khi bão đổ bộ. Cùng với chính quyền TP. Đà Nẵng, nhằm chủ động chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống bão, các đơn vị trên địa bàn, Quân khu 5 tổ đã chức chuẩn bị lực lượng, phương tiện vật chất chủ động với các tình huống.
|
Quân khu đã triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn chủ động các phương án phòng, chống bão; chằng chống nhà cửa, doanh trại, kho tàng, vật chất, cắt tỉa cây xanh khai thông cống rãnh, bảo đảm thông tin liên lạc… Đồng thời chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, vật chất dự trữ để khi có lệnh là cơ động xử lý tình huống được ngay. Trung tướng Thái Đại Ngọc, Tư lệnh Quân khu 5 cho biết: Bộ Tư lệnh cũng triển khai theo các công điện của Chính phủ của Bộ Quốc phòng của Bộ Tư lệnh cụ thể cho 11 tỉnh, thành đặc biệt các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Để kịp thời ứng phó với Bão số 6, sáng 27/10/2024, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó bão số 6 với các địa phương trên địa bàn. Tại cuộc họp, ông Quảng đề nghị các lực lượng nòng cốt và chuyên trách ứng trực tại các điểm sạt lở, ngập úng để di dời người dân kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra cũng như tuyệt đối tuân thủ kịch bản đã đề ra. Bí thư Thành ủy cho biết đây là một trong những cơn bão có tính phức tạp cao, đặc biệt là đường di chuyển. Từ chiều và đêm nay sẽ có lượng mưa rất lớn trên địa bàn, có những nơi mưa cục bộ hơn 400mm.
|
Nhiều cây xanh bị ngã do bão số 6 gây ra |
Do đó, đề nghị Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ thường xuyên cập nhật, thông báo kịp thời diễn biến của bão số 6 từ nay đến sáng mai để lãnh đạo các địa phương và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng nắm sát tình hình.
Để ứng phó với cơn bão này, Thường trực Thành ủy và UBND thành phố đã có nhiều công văn, văn bản chỉ đạo. Ông Quảng hoan nghênh công tác chỉ đạo ứng phó, triển khai thực hiện của các địa phương, sở, ban, ngành với tinh thần kịp thời, chủ động, tích cực; đồng thời tin tưởng với sự chuẩn bị đồng bộ, thành phố sẽ xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Mặc dù cơn bão có mật độ không lớn nhưng nguy cơ gây mưa lớn kéo dài rất cao, vậy nên phải ứng phó với tinh thần không được chủ quan. Từ các ý kiến của sở, ban, ngành cùng với thời gian ảnh hưởng của bão rất dài và trong dự báo còn có khả năng xảy ra giông lốc cục bộ; do đó cần bảo đảm người dân tuyệt đối không ra đường khi chưa an toàn.
|
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng, từ 19 giờ ngày 26/10 đến 6 giờ ngày 27/10, trên địa bàn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mực nước trên sông Vu Gia (lúc 6 giờ ngày 27/10) tại Ái Nghĩa 3.72m, đang ở mức thấp dưới mức báo động 1; tại Cẩm Lệ 0.91m, đang ở mức thấp dưới mức BĐ1. Mực nước trên sông Cu Đê tại cầu Trường Định là 1.42m (cao trình bờ sông khoảng 2,5-3,0m); mực nước trên sông Túy Loan tại cầu Lâm Viên 2,24m (cao trình bờ sông khoảng 4,5m). Căn cứ vào diễn biến thực tế, đến 6 giờ ngày 27/10, các quận, huyện đã sơ tán 849 hộ/3.130 khẩu. Tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của địa phương là 1.159 phương tiện/8.316 lao động đã vào vị trí neo đậu, trú tránh an toàn. Tổng số các phương tiện khai thác hải sản neo đậu 2.520 phương tiện các loại. Hiện nay tất cả các tàu thuyền thành phố vẫn an toàn...