IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ 2014 |
Vượt qua xu hướng tăng trưởng trước đại dịch
Hôm thứ Ba, IMF công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) tháng 4, trong đó đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,7% trong năm nay - cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với dự đoán gần đây vào tháng 1. Động thái này nêu bật việc Hoa Kỳ đang vượt xa các nền kinh tế tiên tiến khác như thế nào, đặc biệt là nền kinh tế châu Âu, vốn đang phải vật lộn để lấy lại động lực sau đại dịch, với lãi suất cao và tác động kéo dài của việc chi phí năng lượng tăng trước đó đè nặng lên hoạt động.
IMF dự đoán 20 quốc gia khu vực đồng Euro sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% trong năm nay, giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng 3,2% (cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự đoán vào tháng 1). Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 4,6%, trong khi Ấn Độ dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8%, theo báo cáo cập nhật mới nhất của IMF.
Báo cáo WEO tháng 4 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,7%, đồng thời cảnh báo việc kéo giảm lạm phát sẽ khó khăn hơn |
“Thật đáng kinh ngạc, nền kinh tế Mỹ đã vượt qua xu hướng tăng trưởng trước đại dịch. Thành tích mạnh mẽ gần đây của kinh tế Hoa Kỳ phản ánh tăng trưởng năng suất và việc làm tốt, nhưng đồng thời cũng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ trong một nền kinh tế vẫn còn quá nóng”, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas viết trong một bài đăng trên blog kèm theo báo cáo này. “Điều này đòi hỏi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải có cách tiếp cận thận trọng và dần dần đối với việc nới lỏng tiền tệ”, theo kinh tế trưởng của IMF.
Lạm phát hàng năm của Mỹ đã tăng lên trong những tháng gần đây sau khi giảm đáng kể từ mức đỉnh 9,1% đạt được vào tháng 6/2022. Giá tiêu dùng tăng mạnh hơn dự kiến, ở mức 3,5% trong tháng 3, khiến các nhà giao dịch phải “hoãn” kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed thêm vài tháng nữa, thay vì vào tháng 6 tới.
Nền kinh tế có thể trở nên “quá nóng” khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh - thường gây ra bởi sự gia tăng đột ngột trong chi tiêu của hộ gia đình và Chính phủ, như đã xảy ra ở Hoa Kỳ - khiến lạm phát tăng cao. Thậm chí trong một báo cáo gần đây, các chiến lược gia tại UBS hiện nhận thấy “rủi ro thực sự” về khả năng Fed sẽ không cắt giảm chi phí đi vay mà thay vào đó sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào đầu năm tới, mặc dù đây không phải là dự báo trọng tâm của các chiến lược gia UBS. Bên cạnh đó, dù khả năng Fed giảm lãi suất hai lần trong năm nay (thay vì dự đoán ba lần trước đó) vẫn là kỳ vọng chủ đạo, xong gần đây cũng có một số quan chức Fed đã lập luận ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất trong thời gian còn lại của năm nay.
Lạm phát vẫn chưa được giải quyết
Không chỉ chi tiêu của người dân và hộ gia đình mà chi tiêu Chính phủ cao và mức nợ lớn ở Hoa Kỳ cũng gây ra rủi ro lạm phát cao. “Lập trường tài khóa là một mối quan tâm đặc biệt”, ông Pierre-Olivier Gourinchas lưu ý. Báo cáo WEO mới nhất của IMF cho rằng, cách tiếp cận tài khóa của Chính phủ Mỹ đang làm tăng rủi ro ngắn hạn đối với quá trình giảm lạm phát, “cũng như rủi ro cho tài khóa ngắn hạn và ổn định tài khóa dài hạn cho nền kinh tế toàn cầu vì có nguy cơ đẩy chi phí tài trợ toàn cầu lên cao”.
Ngược lại với Hoa Kỳ, theo kinh tế trưởng của IMF, “có rất ít bằng chứng về tình trạng quá nóng” ở khu vực đồng Euro. Ông Gourinchas nói thêm rằng, NHTW châu Âu (ECB) sẽ cần phải “điều chỉnh cẩn trọng trục xoay theo hướng nới lỏng tiền tệ” để tránh lạm phát - hiện ở mức 2,4% - giảm xuống dưới mục tiêu 2% mà họ đặt ra.
Báo cáo WEO dự kiến lạm phát trên toàn cầu sẽ ở mức trung bình 5,9% trong năm nay, giảm so với mức trung bình 6,8% vào năm 2023 nhưng cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. “Điều đáng lo ngại là tiến độ hướng tới mục tiêu lạm phát đã phần nào bị đình trệ kể từ đầu năm nay”, ông Gourinchas cho biết.
Lạm phát đã giảm bớt nhờ chi phí năng lượng thấp hơn và giá hàng hóa tăng chậm hơn do những xung đột trong chuỗi cung ứng giảm và giá xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, lạm phát chi phí dịch vụ ở mức cao và sự gia tăng của giá dầu gần đây, một phần do căng thẳng leo thang ở Trung Đông, có thể đẩy giá chung tăng cao trở lại, theo ông Gourinchas. Ông cũng cho biết thêm: “Những hạn chế thương mại hơn nữa đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng có thể đẩy lạm phát hàng hóa lên cao”.
Trung Quốc, nhà sản xuất lớn nhất thế giới, cũng có thể trở thành nguồn cơn gây ra rủi ro khác đối với lạm phát toàn cầu, thông qua tăng trưởng kinh tế có thể mạnh hơn dự kiến. Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,3% trong quý I vừa qua, theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ Ba, vượt qua ước tính của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.