Kế hoạch đầu tư vững vàng, cuộc sống về hưu vẹn toàn
Khi nói đến kế hoạch về hưu, người lao động ở Việt Nam thường tập trung chủ yếu vào mục tiêu tiết kiệm sao cho đủ tiền để đảm bảo mức sống mong muốn sau khi về hưu. Tuy nhiên, họ cũng thường bỏ qua một số nhu cầu sau khi rời khỏi thị trường lao động.
Điều quan trọng không chỉ là lên kế hoạch để duy trì dòng tiền thường xuyên cho những chi tiêu thường nhật mà còn phải cân nhắc những thứ phát sinh sau khi nghỉ làm, chẳng hạn như chi phí y tế nằm ngoài dự liệu. Một kế hoạch hưu trí toàn diện cần bao gồm một chiến lược đầu tư cho giai đoạn trước và sau về hưu.
Những rủi ro không thể ngó lơ khi về hưu
Rủi ro tuổi thọ: Mặc dù sống thọ trăm tuổi là một phước báu nhưng đi kèm với đó là những rủi ro về tài chính cho người về hưu.
Dữ liệu cho thấy người Việt Nam sống khá thọ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, năm 2023, tuổi thọ tính từ lúc sinh đối với nam giới là 71,1 năm và 76,5 năm đối với nữ. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,7, tăng khoảng 5 năm so với cách đây 25 năm. Với sự tiến bộ của công nghệ y tế, việc đạt đến độ tuổi 100 đã không còn là cột mốc xa vời. Tuy nhiên, nếu các nguồn quỹ hưu trí không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, sống thọ lại trở thành một rủi ro đáng lưu tâm.
Rủi ro lạm phát: Cách đây khoảng 20 năm, giá một bát phở chỉ vào khoảng 7.000-10.000 đồng. Bây giờ, giá đã tăng lên 50.000-60.000 đồng. Những con số đó cho thấy tác động của lạm phát và giá cả tăng lên. Trong gần 30 năm qua, lạm phát bình quân của Việt Nam là khoảng 5%/năm, trong khi đó, lạm phát thế giới cũng duy trì ở mức tương đối cao hơn trong một thời gian dài.
Nếu lợi nhuận đầu tư không theo kịp hoặc trên mức lạm phát thì chi phí sinh hoạt gia tăng sẽ dần bào mòn tiền tiết kiệm của người về hưu.
Diễn biến lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 1996 - 2022 (Nguồn: WB) |
Rủi ro đầu tư: Đối mặt với rủi ro lạm phát, người về hưu có thể cân nhắc đầu tư để đạt được tăng trị giá vốn (chênh lệch giá mua/bán). Tuy nhiên, đầu tư thì thường đi kèm với rủi ro.
Tài sản rủi ro cao như cổ phiếu có biến động giá cao hơn nhưng cũng mang lại lợi nhuận cao hơn kỳ vọng. Tài sản rủi ro thấp như trái phiếu có biến động giá thấp hơn nhưng cũng đồng thời đi kèm lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, như vậy thì không giải quyết hiệu quả được rủi ro lạm phát. Do vậy, người về hưu cần tìm được điểm cân bằng trong danh mục đầu tư của họ cũng như lưu ý đa dạng hóa rủi ro đầu tư.
Lập kế hoạch hậu nghỉ hưu
Mặc dù tuổi thọ, mức sống kỳ vọng cũng như tình hình tài chính mỗi người một khác nhưng chúng ta đều phải đối mặt với những thách thức giống nhau sau khi nghỉ hưu, chẳng hạn như vấn đề tăng trị giá vốn, dòng tiền đều đặn, sống thọ, lạm phát, đầu tư và chi phí y tế...
Về mặt đầu tư, một danh mục đầu tư phù hợp với người về hưu cần tạo ra được dòng tiền đều đặn để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đồng thời giải quyết được rủi ro lạm phát nhờ tăng trị giá vốn. Danh mục đầu tư có thể cân nhắc đưa vào một số loại trái phiếu nhằm giảm mức độ biến động và tăng dòng tiền. Đồng thời, một lượng phù hợp tài sản rủi ro như cổ phiếu có thể thêm vào danh mục để nâng khả năng tăng trị giá vốn nhằm ứng phó với lạm phát.
Trên thị trường cũng có những quỹ đầu tư phối hợp tài sản được thiết kế để cung cấp cổ tức thường xuyên. Những quỹ này đầu tư vào nhiều nhóm tài sản khác nhau tùy theo mức độ rủi ro định trước nhằm thúc đẩy tăng trị giá vốn và đa dạng hóa rủi ro. Những quỹ này cũng mang lại mức cổ tức đa dạng để đáp ứng nhu cầu về dòng tiền của các nhà đầu tư khác nhau.
Khi lên kế hoạch nghỉ hưu, chúng ta có thể cân nhắc dùng một sản phẩm niên kim phù hợp để phòng ngừa các rủi ro tuổi thọ. Để chuẩn bị cho những lúc khó khăn, chúng ta có thể bổ sung các điều khoản về bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo trang trải chi phí y tế có thể phát sinh thêm lúc có tuổi.
Mỗi người sẽ có một cách riêng để sửa soạn cho cuộc sống về hưu của mình nên có thể cân nhắc tận dụng danh mục đầu tư khác nhau để ứng phó với các thách thức khác nhau có thể xuất hiện trong những năm sau khi về hưu.