Xây dựng thương hiệu làng nghề: Nâng sức cạnh tranh trên trường quốc tế
Điểm tựa cho làng nghề thủ công | |
Bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch | |
Khơi dậy tiềm năng của các ngành nghề nông thôn |
Trong bối cảnh của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và luôn nằm trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất của Việt Nam.
Theo đánh giá của đại diện Cục Xuất nhập khẩu, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) như: EVFTA, CPTPP, RCEP… đang mở ra rất nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhất là tại thị trường có sức tiêu thụ lớn bậc nhất thế giới như châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề phải cạnh tranh rất lớn không chỉ với các sản phẩm trong nước mà với rất nhiều các sản phẩm của các quốc gia khác. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu làng nghề là yếu tố quan trọng để đưa giá trị sản phẩm lên tầm cao hơn. Tuy nhiên việc này rất cần sự vào cuộc của Nhà nước để hỗ trợ, nhất là dẫn dắt các làng nghề tham gia Thương hiệu Quốc gia.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ nước ta vốn rất có ưu thế về xây dựng thương hiệu nhờ truyền thống, bản sắc và danh tiếng vốn có. Nhưng trong bối cảnh hội nhập, trước sức ép của thị trường, nhiều sản phẩm làng nghề Việt dần bị mai một, thậm chí nhiều làng nghề rơi vào tình trạng lắp ráp, gia công sản phẩm và còn phải lệ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp trung gian. Chính vì vậy đã giảm sức cạnh tranh và giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, trong những năm gần đây nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Việt Nam rất được thị trường thế giới ưa chuộng, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Úc, Hàn Quốc… Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu ngành này có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Do đó để phát triển và nâng cao chất lượng cũng như uy tín các sản phẩm thì cần thiết phải xây dựng được các thương hiệu làng nghề trong nước.
Là địa phương chiếm 45% tổng số làng nghề truyền thống trong cả nước với khoảng 176.000 hộ làm nghề, Hà Nội đang rất chú trọng trong việc phát triển thương hiệu làng nghề. Thời gian qua, việc duy trì, quảng bá thương hiệu làng nghề đã được các quận, huyện, thị xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các thương hiệu đã và đang khẳng định được vị thế không chỉ trong nước mà được thị trường nhiều quốc gia ưa chuộng như gốm Bát Tràng, Lụa Vạn Phúc, Mây tre đan Phú Vinh… Tuy nhiên số lượng các làng nghề xây dựng được thương hiệu vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ bởi phần lớn các làng nghề còn sản xuất manh mún, quy mô và vốn nhỏ rất khó xây dựng được thương hiệu.
Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, hiện nay nhiều doanh nghiệp làng nghề chưa thực sự chú trọng tới tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Đa số các cơ sở làng nghề sản xuất nhỏ, hoạt động manh mún, thiếu sự gắn kết nên khó tiếp cận nguồn vốn, cũng như không có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về quản trị thương hiệu. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch hỗ trợ các làng nghề xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đối với các làng nghề đang phát triển mạnh, thành phố sẽ tập trung phát triển những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn và giá trị kinh tế cao; hỗ trợ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để mở rộng mặt bằng sản xuất…
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Do đó, trong thời gian tới, để mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ ngành nghề cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các làng nghề trong việc quảng bá và xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu thông qua các kênh thương mại điện tử…
Có thể thấy, để phát triển thương hiệu làng nghề cần rất nhiều yếu tố, như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở kênh quảng bá trực tuyến, chú trọng công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm... Bên cạnh đó cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp chính quyền cùng sự vào cuộc của các doanh nghiệp để đưa các sản phẩm làng nghề vươn ra thế giới.
Mới đây, nhằm phát triển và đẩy mạnh thương hiệu cho các làng nghề, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND ngày 20/5/2021 về hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2021. Theo đó, thành phố sẽ ưu tiên, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể: Các làng nghề truyền thống, làng nghề đã đăng ký các năm trước nhưng chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề; làng nghề đăng ký thực hiện đủ 5 nội dung hỗ trợ; làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố; sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp thành phố…
Theo UBND TP. Hà Nội, thời gian tới, UBND thành phố, Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu cho các làng nghề. Đặc biệt, quan tâm tới việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghiệp 4.0. Đồng thời hỗ trợ cho các làng nghề đẩy mạnh hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố.