Khai thác “mỏ vàng” dữ liệu phát triển các dịch vụ tài chính
Các nguồn dữ liệu này tồn tại ở nhiều tổ chức, hoạt động xã hội, trên mọi lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt và kinh tế. Theo ông Hùng, nhiều nghiên cứu, giải pháp công nghệ nhằm khai thác và sử dụng các nguồn dữ liệu này đã chứng minh hiệu quả to lớn trong hỗ trợ công tác dự báo, thống kê, hoạch định chính sách, quản trị rủi ro, đánh giá khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng... Tuy nhiên, việc tập hợp được tất cả các nguồn dữ liệu truyền thống và phi truyền thống để hình thành nên một cơ sở hay hệ thống dữ liệu phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của nền kinh tế là một công việc khó khăn với không ít các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đơn cử, từ việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về bảo vệ, chia sẻ dữ liệu cá nhân, đến phát triển nền tảng công nghệ để khai thác cơ sở dữ liệu hay xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị thành viên...
Ông SoYoung Kim, Phó Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) chia sẻ, tại Hàn Quốc, hệ thống MyData được đánh giá là mô hình thành công, khi người dân có thể xem các thông tin của mình, các dịch vụ tài chính được xếp hạng và nâng xếp hạng tín dụng cá nhân. Thông qua dịch vụ này, khách hàng có thể chuyển các thông tin mong muốn cho công ty tài chính. “Hy vọng mô hình như MyData sẽ được ứng dụng vào ngành tài chính Việt Nam. Thông qua cơ hội này, ngành tài chính Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt quan trọng, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế của đất nước, cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ngành tài chính của hai quốc gia”, ông SoYoung Kim kỳ vọng.
MyData mở rộng trên mọi ngành, tạo ra sức mạnh tổng hợp và hệ sinh thái kinh doanh dữ liệu sôi động |
Thông tin cụ thể hơn về MyData, đại diện Cơ quan Thông tin tín dụng Hàn Quốc (KCIS) cho biết, từ năm 2010, khi cơ sở dữ liệu dần trở thành một lĩnh vực quan trọng, dẫn đầu xu hướng đổi mới kỹ thuật số, các luật liên quan đến MyData được Hàn Quốc sửa đổi từ năm 2020. Hiện có năm đạo luật có liên quan ở Hàn Quốc cho phép công ty vận hành MyData có được quyền tiếp cận dữ liệu. Nhờ đó, hiện có khoảng 720 danh mục dữ liệu trong MyData tài chính được truyền qua 100 API. Có thể kể đến như, thông tin về ngân hàng, thẻ, đầu tư, bảo hiểm, thông tin giao dịch trả góp, tài chính điện tử và các thông tin khác như thông tin viễn thông, kinh doanh tín dụng, bảo hiểm bảo lãnh, cho vay ngân hàng… Ứng dụng này đã cung cấp trải nghiệm tài chính trực quan, thân thiện với người dùng cho chủ sở hữu dữ liệu. MyData còn cung cấp các dịch vụ như tìm kiếm các khoản trợ cấp của Chính phủ, đề xuất thẻ tín dụng, cung cấp các khoản vay, quản lý điểm tín dụng… "MyData mở rộng trên mọi ngành, tạo ra sức mạnh tổng hợp và hệ sinh thái kinh doanh dữ liệu sôi động. Ngoài lĩnh vực tài chính, MyData còn hiện diện trong tất cả các ngành khác, tạo ra hiệu ứng tổng hợp và khuyến khích hợp tác liên ngành", đại diện KCIS thông tin thêm.
Là ngân hàng đã sử dụng MyData, đại diện Shinhan Bank chia sẻ, khi nhận thức và hành vi tài chính của người tiêu dùng thay đổi cũng là lúc cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính. Việc tích hợp được thông tin cá nhân sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình phân tích dòng tiền. MyData cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu khi khách hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đối với Shinhan Bank, dịch vụ quản lý tài sản được thiết kế riêng cho từng đối tượng khách hàng theo hành vi và mục đích sử dụng của mỗi người. Trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ MyData, ngân hàng cung cấp các tham vấn được cá biệt hoá tới từng khách hàng. Đơn cử như các sản phẩm về quản lý chi tiêu, tư vấn tài sản… hiện đang rất phát triển.
Ông Hwang Soon Young, Phó Giám đốc chi nhánh SGI Hà Nội nhận định, dữ liệu sẽ là “chìa khoá” để phát triển các sản phẩm mới trong mọi ngành nghề, trong đó có tài chính. Việc có các thông tin rộng rãi về tài chính, tín dụng và nhiều lĩnh vực khác sẽ là động lực nâng cao lợi ích cho khách hàng. Tại Việt Nam, một trong những sản phẩm có thể tận dụng tốt dữ liệu để phát triển đó là bảo hiểm bảo lãnh, thông tin tín dụng là động lực quan trọng để phát triển sản phẩm này. Hiện đã có 11 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được cấp phép kinh doanh bảo hiểm bảo lãnh cho thấy tiềm năng phát triển sản phẩm này còn rất lớn. Để phát triển mạnh mẽ hơn, ông Hwang Soon Young cho rằng, cần phải quản lý thông tin riêng về bảo lãnh, thông tin về thanh toán hộ và chia sẻ thông tin tín dụng với các doanh nghiệp bảo hiểm bảo lãnh.
Theo đánh giá của ông Tạ Quốc Hùng, việc xây dựng một hệ thống tập trung các dữ liệu về người tiêu dùng dịch vụ tài chính; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và kiểm soát dữ liệu tài chính cá nhân từ nhiều tổ chức trong cùng một nền tảng như mô hình MyData của Hàn Quốc là một giải pháp đáng để Việt Nam nghiên cứu và học tập kinh nghiệm.
Những kinh nghiệm từ mô hình MyData theo ông Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc CIC sẽ là những gợi mở hữu ích cho CIC, các ngân hàng, tổ chức tài chính và cơ quan ban ngành của Việt Nam trong việc định hướng xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ các nguồn thông tin tín dụng và phi tín dụng; hình thành các khuôn khổ chia sẻ và khai thác thông tin một cách toàn diện... để phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ, mục tiêu của hệ thống ngân hàng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế an toàn, bền vững.