Khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới
Chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử thế nào? | |
Thương mại điện tử đang tạo vị thế dẫn đầu | |
Thương mại điện tử “chắp cánh” cho hàng Việt |
Hiện nay, TMĐT xuyên biên giới đã và đang trở thành phương thức kinh doanh hiệu quả đối với các doanh nghiệp, nhất là đơn vị xuất khẩu. Hiện đã có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tham gia vào các sàn TMĐT như Alibaba, Amazon... TMĐT xuyên biên giới được đánh giá là một trong những phương thức nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vừa phục hồi và ổn định sản xuất, xuất khẩu 9 tháng năm 2022 vẫn chứng kiến sự tăng trưởng ổn định. Thống kê mới đây cho thấy, trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 174,6% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 34,2% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,9 tỷ USD, tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,4% so với quý trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,2 tỷ USD, tăng 118,4% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.
Có được kết quả trên là nhờ những nỗ lực của doanh nghiệp để bứt phá trong sản xuất, tận dụng các FTA mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu thông qua TMĐT.
Nâng cao kỹ năng TMĐT xuyên biên giới cho doanh nghiệp Hải Phòng. |
Những năm gần đây, TMĐT của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, có tốc độ phát triển khá nhanh so với các quốc gia trong khu vực. Năm 2021, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD. Quy mô thị trường B2C TMĐT ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong xu thế đó, TMĐT xuyên biên giới trở thành công cụ không thể thiếu với doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tham gia vào các hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT quốc tế như eBay hay Amazon, Alibaba… đang là những ưu tiên lựa chọn của các doanh nghiệp để mở rộng các kênh bán hàng trên toàn thế giới.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) trong giai đoạn hiện nay, TMĐT xuyên biên giới đang trở thành một phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới, giảm thiểu rủi ro khi chuỗi cung ứng truyền thống đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hay các xung đột địa-chính trị. Việc tận dụng được các thị trường TMĐT phát triển mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp có thể len vào các thị trường khó tính, nơi có rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống. Hình thức này cũng giúp giảm chi phí vận hành khi phân phối sản phẩm đến người dùng cuối.
Mặc dù vậy, hiện các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng được hết lợi thế của TMĐT để tiến vào thị trường thế giới, nhất là thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do.
Theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa quen với khái niệm và thủ tục liên quan đến xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới, cũng như thiếu kiến thức lẫn kỹ năng trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước thực tế này, vừa qua Cục TMĐT và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ và công bố sáng kiến “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”. Theo đó, sáng kiến đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương.
Ông Gijae Seong - Giám đốc Quốc gia, Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ, sáng kiến hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực TMĐT xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2026. Chương trình sẽ giúp các doanh nghiệp, người kinh doanh, nguồn nhân lực trẻ trên toàn Việt Nam có thể nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua TMĐT xuyên biên giới. Từ tháng 6/2022 đến nay, Chương trình đã được khởi động tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Tại Hội thảo “TMĐT xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tổ chức tại Hải Phòng mới đây, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng Bùi Quang Hải cho rằng, hiện nay TMĐT và TMĐT xuyên biên giới đã và đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt được giao lưu, cọ sát thực tế để nâng cao năng lực, hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, duy trì thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu…
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; chưa đủ các kỹ năng, kiến thức về marketing trong TMĐT xuyên biên giới; xây dựng định hướng kinh doanh, bảo vệ thương hiệu trong TMĐT xuyên biên giới còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy việc trang bị kiến thức chuyên ngành về xuất nhập khẩu, nắm bắt thông tin thị trường cho các doanh nghiệp mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian tới.