Khánh Hòa đối thoại với doanh nghiệp: Hướng tới môi trường kinh doanh bền vững
Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Năm 2024, theo UBND tỉnh Khánh Hoà, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng trưởng 10,12% so với năm 2023 - một con số ấn tượng trong bối cảnh chung của nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước ước 20.073 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm trước và vượt 20,3% kế hoạch đề ra. Không chỉ có vậy, tỉnh Khánh Hoà cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong các chỉ số kinh tế như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hơn 2 tỷ USD, tăng 14%, và doanh thu du lịch 52.271,6 tỷ đồng, tăng 53,9% so với năm 2023.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư tỉnh uỷ Khánh Hoà phát biểu tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần II - 2024 |
Sự tăng trưởng này không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, những người đang góp phần vào sự phát triển của địa phương. Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức 33 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tiếp nhận hơn 130 kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp và đã giải quyết được 97 kiến nghị. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, đơn cử như các kiến nghị liên quan đến quy hoạch đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cam kết của lãnh đạo tỉnh trong việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Một trong những vấn đề được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị lần này là những vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến khai thác khoáng sản và duyệt hồ sơ dự án. Các doanh nghiệp cho rằng quá trình duyệt hồ sơ và triển khai các dự án còn thiếu đồng bộ và có sự chậm trễ trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp đề nghị chính quyền tỉnh Khánh Hoà cần có quy trình đồng bộ và thống nhất để giúp giảm bớt thời gian và công sức trong việc thực hiện các thủ tục này. Đặc biệt, doanh nghiệp trong ngành du lịch mong muốn địa phương thúc đẩy phát triển các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường, như xe điện, nhằm giảm bớt tắc nghẽn giao thông trong nội thị TP. Nha Trang.
Quang cảnh hội nghị |
Một trong những vấn đề nổi bật được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị là chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp đề nghị Khánh Hoà sớm ban hành hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai các chương trình chuyển đổi xanh trong du lịch, xây dựng, giao thông và nông nghiệp.
Cụ thể, các doanh nghiệp đề xuất việc đẩy mạnh các dịch vụ vận tải công cộng bằng xe điện, đồng thời tạo ra các chính sách hỗ trợ đối với các mô hình du lịch sinh thái và cộng đồng. Tỉnh Khánh Hòa đã khuyến khích các dự án du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường, như du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, và có những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho những mô hình này.
Để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Tuân yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát lại các quy hoạch và cấp phép đối với các mỏ khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai các phương tiện công cộng như xe điện để cải thiện giao thông trong khu vực.
Một trong những vấn đề nổi bật được các doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị là chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. |
Ông Tuân nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc xây dựng các bãi đậu xe tạm trên nhiều khu vực ven thành phố nhằm tạo thuận lợi cho du khách khi đến với Nha Trang – Khánh Hòa. Các doanh nghiệp cũng cần có sự chia sẻ và đồng hành với chính quyền trong việc duy trì môi trường du lịch bền vững và phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã cam kết sẽ tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước, tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp; Tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng một chính quyền phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Chính quyền tỉnh Khánh Hòa đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế trong giai đoạn 2024 – 2030, với hy vọng không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho du lịch mà còn là địa phương năng động trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Khánh Hoà sẽ tiếp tục tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia.
Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của tỉnh. Mặc dù, Khánh Hoà đạt được những thành tựu nhất định, nhưng ông Thành cũng cho rằng, tỉnh Khánh Hoà cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà khẳng định mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với thu nhập bình quân đầu người nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có thu nhập cao nhất cả nước. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội đối với tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được mục tiêu này.