Ngân hàng duy trì sự tăng trưởng trong bối cảnh nhiều thách thức gia tăng
Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng cổ phiếu ngành Ngân hàng khi thị trường nâng hạng?
|
Chuyên gia nhận định, Ngân hàng vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường |
Bối cảnh kinh tế toàn cầu: thuận lợi và rủi ro song hành
Năm 2025, các Ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), tiếp tục xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp giảm áp lực tỷ giá và thu hút dòng vốn ngoại vào Việt Nam. Chi phí vốn tiếp tục ở mức thấp sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động và kích thích đầu tư trong nước. Đồng thời, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, sẽ thúc đẩy các biện pháp kích cầu để hồi phục nền kinh tế và hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, nông sản, may mặc.
Ở góc nhìn thận trọng thì xung đột địa chính trị và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn là những biến động khó lường, có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến giá hàng hóa, năng lượng và tỷ giá, tạo áp lực lên xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam.
Các kịch bản về tăng/giảm lãi suất của FED trong năm 2025-2026 đều thiên về hướng ôn hòa với thị trường. (Nguồn: Goldman Sachs Global Investment Research) |
Kinh tế Việt Nam: nới room tín dụng nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Năm 2025 được kỳ vọng là năm "tăng tốc, bứt phá, về đích" kết thúc giai đoạn 2021-2025 với ưu tiên duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế và tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các ngành chứng khoán, bất động sản, đầu tư công, … giúp thúc đẩy tăng trưởng mà không cần nới lỏng tiền tệ. Đồng thời, hoạt động đầu tư công sẽ được đẩy mạnh với kế hoạch 790 nghìn tỷ đồng, nhằm giải quyết thiếu hụt hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và logistics.
Về tỷ giá, mối lo ngại về chính sách thương mại Mỹ - Trung và sự gia tăng sức mạnh của đồng USD vẫn hiện hữu. Vì vậy, ổn định tỷ giá sẽ là ưu tiên của NHNN trong năm 2025, đặc biệt khi dư địa nới lỏng tiền tệ đã hẹp lại, NHNN có thể phải tăng lãi suất để đảm bảo ổn định tỷ giá và giảm áp lực nợ công.
Lạm phát được dự báo sẽ duy trì ở mức 3,4%-4% (theo các trung tâm nghiên cứu). Với việc lạm phát mục tiêu kế hoạch (4,5%) vẫn còn khá xa so với mức dự báo, VFS cho rằng Chính phủ có thể sẽ đánh đổi lạm phát để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Năm 2025 cũng sẽ không phải là một năm dễ dàng bởi hiện nay thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều các rủi ro có thể tạo ra những biến động lớn như căng thẳng địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại, … Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn nên sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, yếu tố nội tại sẽ là bệ đỡ, kỳ vọng lớn nhất trong năm 2025 đến từ khả năng thị trường bất động sản hồi phục và đẩy mạnh đầu tư công. Qua đó tháo gỡ các nút thắt, khơi thông các nguồn vốn và thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng trưởng.
Ngân hàng vẫn là một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường
VFS duy trì quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2025, nhờ sự hỗ trợ từ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5-7%. Điều này không chỉ thúc đẩy kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tăng 14-17%, mà còn giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn, với kỳ vọng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm. Nếu P/E dự phóng từ mức 11,x lần tăng lên 13,5 lần – mức trung bình của các năm – lợi nhuận đầu tư có thể đạt 10-18%. Thanh khoản thị trường cũng được dự báo tăng 15-20%, lên 18-20 nghìn tỷ đồng, nhờ kỳ vọng về nâng hạng thị trường, giao dịch T+0 và dòng vốn ngoại quay trở lại.
P/E hiện tại và PE fw 2025 vẫn ở mức trung bình. Nguồn: FiinPro |
Trong bức tranh tích cực đó, ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, nhóm Ngân hàng sẽ vẫn duy trì được đà tăng trưởng và đóng góp lớn vào bức tranh lợi nhuận chung của toàn thị trường.Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản và định hướng đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ. Bên cạnh đó, năm 2025 còn là năm cuối của giai đoạn 2021 – 2025 với nhiều nhân tố mới, các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế, luật pháp. Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua đã thông qua một loạt các luật sẽ có hiệu lực từ 2025 sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp tháo gỡ khó khăn của rất nhiều ngành nghề, khơi thông các điểm nghẽn. Đây là những cơ sở vững chắc để có thể kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể đạt 15 – 17%.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, bên cạnh việc được hưởng lợi từ tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ nội tại. Những biến số như thay đổi trong chính sách tiền tệ, biến động kinh tế toàn cầu và áp lực cạnh tranh gia tăng đòi hỏi các ngân hàng phải thận trọng và linh hoạt trong quản trị rủi ro lẫn chiến lược kinh doanh.
Năm 2025 là năm cuối trong giai đoạn 2021 – 2025 nên những áp lực về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng là khá lớn. VFS cho rằng NIM của ngân hàng sẽ chịu áp lực về cả đầu ra và đầu vào. Đầu tiên, dư địa hạ lãi suất sẽ không còn và lãi suất sẽ neo ở mức hiện tại thậm chí là có thể tăng trong năm 2025 khi tốc độ huy động vốn đang chậm hơn so với tốc độ đẩy tín dụng; xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ còn tiếp diễn khi Tổng thống Trump thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng và triển khai các biện pháp thuế quan sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Về định giá, hiện nay định giá của nhóm ngân hàng khá rẻ khi P/B trung bình ngành ở quanh mức 1,5. Chỉ cao hơn so với đợt thị trường giảm mạnh giai đoạn tháng 3/2020 và tháng 11/2022, thời điểm đó P/B trung bình của ngành ngân hàng chỉ quanh mức 1,3. Ở những thời điểm đỉnh cao của nhóm ngân hàng như giai đoạn quý 3 và quý 4 năm 2021, P/B có thể giao dịch quanh mức 2 – 2,2.
"Dù nhiều thách thức nhưng trong kịch bản năm 2025 kinh tế phục hồi tích cực và nhóm ngân hàng có những điều kiện ủng hộ thì việc cổ phiếu ngân hàng tăng là điều hoàn toàn có thể."- chuyên gia VFS nhấn mạnh.